Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới

05/01/2022  / 121 lượt xem

Ngày 28/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, thay thế Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009. Nghị định gồm 4 chương, 23 điều. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30 triệu đồng, đối với tổ chức là 60 triệu đồng. 

Về thẩm quyền xử phạt:

Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở, Chánh Thanh tra cấp Sở có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 15.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phựơng tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 30.000.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 21.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn;  tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 42.000.000 đồng;  áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Chánh Thanh tra cấp Bộ, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 30.000.000 đồng;  tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến văn hóa, thể dục, thể thao (Điều 11) và các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình (Điều 13).

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

ĐQH-MP