HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ THANH TRA HÀNH CHÍNH NĂM 2024

22/01/2024  / 1836 lượt xem

Sáng ngày 19/01/2024, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Bộ đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thanh tra hành chính năm 2024. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện Lãnh đạo Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa xã hội (Vụ III) và Vụ Kế hoạch - Tổng hợp của Thanh tra Chính phủ; đại diện lãnh đạo các đơn vị tham mưu quản lý nhà nước, một số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và lãnh đạo các đơn vị là đối tượng thanh tra hành chính năm 2024.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ, cho biết, trong năm 2023, Thanh tra Bộ đã triển khai 7 đoàn thanh tra hành chính theo kế hoạch tại 7 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Nội dung thanh tra gồm thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý, thực hiện dự án đầu tư; việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý tài chính, quản lý và sử dụng tài sản công; trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức... Qua công tác thanh tra đã ban hành các kết luận, kiến nghị loại khỏi quyết toán hoặc không cho quyết toán tổng số tiền 1.226.925.518 đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật 01 công chức, kiểm điểm trách nhiệm đối với 03 tập thể.

Kế hoạch thanh tra năm 2023 đã được triển khai thực hiện đúng nội dung, phạm vị, đối tượng, hoạt động thanh tra; hoạt động thanh tra thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm và khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý tài chính, quản lý và sử dụng tài sản công, công tác quản lý và thực hiện dự án đầu tư, công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được Bộ trưởng ban hành tại Quyết định số 3752/QĐ-BVHTTDL ngày 06/12/2023. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước có thông báo về Danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán trong năm 2024 đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó có Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 2960/KH-TTCP ngày 08/12/2023 thanh tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức trên phạm vi cả nước, theo Kế hoạch, Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiến hành thanh tra tại các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra hành chính cho phù hợp.

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL đã có những thảo luận, đề xuất những ý kiến để công tác thanh tra được thực hiện từ sớm, từ xa, ngày càng hiệu quả hơn.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Nhường, Phó Vụ trưởng Vụ III và ông Vũ Hồng Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ, cho rằng, Thanh tra Bộ VHTTDL đã bám sát những nhiệm vụ của công tác thanh tra hành chính, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu; qua công tác thanh tra đã chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, thiếu sót trong việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý tài chính, quản lý và sử dụng tài sản công, quản lý và thực hiện dự án đầu tư, công tác phòng, chống tham nhũng… tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, công tác thanh tra, kiểm tra luôn giữ vị trí hết sức quan trọng; qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời ngăn chặn, xử lý các sai phạm. Hiện nay, Bộ có nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc, do đó, cần phải thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; công tác thanh tra phải quyết liệt, khắc phục tình trạng né tránh, không để sai phạm nhỏ thành sai phạm lớn, vi phạm nhỏ thành vi phạm pháp luật, dẫn đến việc bị xử lý.

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo Thanh tra Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ:

Một là, Thanh tra Bộ tiếp tục hoàn thiện kế hoạch thanh tra hành chính theo tinh thần thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào thanh tra trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị, qua đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Hai là, Thanh tra Bộ thành lập đoàn thanh tra hành chính theo đúng quy định pháp luật, đề cao trách nhiệm của thành viên đoàn trước Trưởng đoàn, trước Chánh Thanh tra. Kết luận thanh tra phải khiến các đơn vị tâm phục, khẩu phục. Qua thanh tra phải nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, của người đứng đầu trong thực thi quyền hạn, nhiệm vụ của mình.

Ba là, các đơn vị thuộc Bộ phải chủ động phối hợp với Thanh tra Bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các đơn vị không phải là đối tượng thanh tra hành chính năm 2024 cần nhận thức đầy đủ về công tác thanh tra, từ kết quả thanh tra tại các đơn vị thuộc Bộ để rút kinh nghiệm, khắc phục với tinh thần tự soi, tự sửa.

Bốn là, tập trung dự báo, cảnh báo, ngăn chặn từ sớm, kiên quyết xử lý kịp thời, dứt điểm không để phát sinh đơn thư kéo dài.

Năm là, giao Công đoàn Bộ chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế tổ chức phổ biến pháp luật về công tác thanh tra với nhiều hình thức khác nhau.