THANH TRA VIỆC QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ TẠI ĐỒNG NAI

11/01/2024  / 1224 lượt xem

Thực hiện Quyết định số 160/QĐ-TTr ngày 21 tháng 9 năm 2023 của Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại tỉnh Đồng Nai, từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 10 năm 2023, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại: Ban quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Đại Giác; Ban quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Long Thiền; Ban quản lý Di tích lịch sử Đền thờ và mộ Nguyễn Hữu Cảnh; Ban quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình An Hòa; Ban quản lý khu danh thắng Bửu Long.

 

Qua thanh tra cho thấy, công tác bảo vệ và phát huy giá trị 05 di tích tại tỉnh Đồng Nai nêu trên đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cấp chính quyền quan tâm. Hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh trong vài năm qua đã được đầu tư, tu bổ và tôn tạo, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tạo tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là phát triển du lịch của địa phương.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Bảo tàng tỉnh Đồng Nai trong những năm qua đã thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quản lý nhà nước về lễ hội, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Công tác quản lý khu vực bảo vệ di tích, không gian di tích đã được quan tâm nhiều hơn. Công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, hiện vật thuộc di tích được tăng cường. Công tác phát huy giá trị di tích ngày càng tốt hơn, từng bước quảng bá văn hóa truyền thống, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích còn một số tồn tại, vướng mắc, bất cập như: Tỉnh có nhiều di tích, phân bố không tập trung gây khó khăn cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị của di tích. Mặc dù được sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng, song thời gian qua, nhiều di tích đang bị xuống cấp theo thời gian, cần phải tu bổ, tôn tạo. Trong khi đó, nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn và tu bổ, tôn tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý về di sản văn hóa (cấp huyện, xã) còn hạn chế; một bộ phận cán bộ không được đào tạo đúng chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số ban quản lý, ban quý tế tiếp nhận hiện vật do các tổ chức, cá nhân phụng cúng không thuộc trong danh mục vào thờ tự tại di tích đình, chùa. Công tác vệ sinh cảnh quan, môi trường, đặc biệt là phòng, chống cháy nổ ở một số di tích còn chưa được chú trọng.

Thanh tra Bộ kiến nghị:

Đối với Cục Di sản văn hóa:

- Thường xuyên có văn bản hướng dẫn các địa phương nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn; đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích.

- Hướng dẫn mở lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý di tích ở các địa phương nhằm từng bước nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn về công tác quản lý di tích. Đồng thời, nâng cao nhận thức của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật về di sản văn hóa.

 

Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai:

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát và xử lý sai phạm (nếu có) trong công tác quản lý di tích.

- Tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai tăng cường đầu tư chống xuống cấp di tích, nhất là các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng, đồng thời đề xuất phương án lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai hướng dẫn thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

- Chỉ đạo kiện toàn các ban quản lý, ban trị sự di tích tại địa phương theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và Quyết định số 13/QĐ-UBDN ngày 06 tháng 4 năm 2023 của UNBD tỉnh Đồng Nai ban hành quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Đối với các Ban quản lý di tích được thanh tra:

- Tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá tại địa phương theo đúng quy định của Luật Di sản văn hoá năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản quản lý nhà nước về di sản văn hóa; đảm bảo công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy, nổ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về giá trị của di tích; bổ sung nội quy, quy định thực hiện nếp sống văn minh; gắn việc phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch.

- Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, hiện vật; không tiếp nhận hiện vật không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích.

- Thực hiện nghiêm Quyết định số 2245/QĐ-BVHTTDL ngày 25 tháng 6 năm 2012 của Bộ VHTTDL, mỗi di tích không đặt quá 3 hòm công đức, trước các ban thờ không để quá 1 hòm đựng tiền dầu nhang; quản lý và sử dụng nguồn thu từ di tích theo Thông tư số  04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính.

- Khắc phục các tồn tại phát hiện qua thanh tra.