THANH TRA VIỆC QUẢN LÍ DI TÍCH VÀ KINH DOANH HOẠT ĐỘNG THỂ THAO TẠI TỈNH VĨNH PHÚC

24/08/2022  / 284 lượt xem

Thực hiện Quyết định số 80/QĐ-TTr ngày 07/6/2022 của Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lí di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và kinh doanh hoạt động thể thao tại tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 16/6 đến ngày 18/6/2022, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 04 di tích (đền Thánh Mẫu, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên; tháp Bình Sơn (Tháp Then), thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô; đình Đình Chu và đền Đình Chu, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch; Đình Tiên Lữ, xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch) và 04 cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao (Công ty Cổ phần Sân golf Đại Lải; Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo; Công ty Cổ phần đầu tư Tam Đảo; Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Tây Hồ).

Kết quả thanh tra cho thấy, Đối với việc kinh doanh hoạt động thể thao, các cơ sở được thanh tra đã có ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh. Các cơ sở đều có tư cách pháp nhân, được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao theo quy định. Cơ sở vật chất, kỹ thuật được trang bị đảm bảo theo quy định. Nhân viên chuyên môn có hợp đồng lao động, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với từng môn thể thao. Công tác thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, bảo vệ môi trường đã được các cơ sở thực hiện.

Đối với công tác quản lí di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành các văn bản quản lí, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định pháp luật về di sản văn hóa. Các Ban quản lí di tích trong những năm qua đã thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quản lí nhà nước về di sản và lễ hội. Việc quản lí khu vực bảo vệ di tích, không gian di tích đã ngày càng được quan tâm. Công tác quản lí, bảo vệ di vật, cổ vật, hiện vật thuộc di tích được tăng cường. Công tác phát huy giá trị di tích ngày càng tốt hơn, từng bước quảng bá văn hóa truyền thống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, công tác quản lí di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại các di tích còn một số tồn tại, hạn chế như: thành viên trong Ban quản lí di tích thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm, tại một số di tích, các thành viên trong Ban quản lí chưa được đào tạo về quản lí di tích; còn đưa nhiều hiện vật không trong danh mục hồ sơ xếp hạng vào di tích; tại một số di tích, nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn và tu bổ, tôn tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nên đã có hiện tượng xuống cấp; công tác phòng, chống cháy nổ tại một số di tích chưa thực sự được quan tâm. Thanh tra Bộ kiến nghị các Ban quản lí di tích khắc phục ngay những tồn tại phát hiện qua công tác thanh tra; thực hiện đúng quy định pháp luật trong quản lí di tích.