THANH TRA VIỆC QUẢN LÍ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TẠI BẠC LIÊU

21/11/2023  / 1224 lượt xem

Thực hiện Quyết định số 125/QĐ-TTr ngày 02 tháng 8 năm 2023 của Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lí di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Bạc Liêu, từ ngày 23 đến ngày 26 tháng 8 năm 2023, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 5 di tích cấp quốc gia và 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Qua thanh tra cho thấy, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại tỉnh Bạc Liêu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cấp chính quyền quan tâm. Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp cho chính quyền cơ sở quản lí di tích trên địa bàn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều quyết định, cơ chế chính sách bảo vệ và phát huy công tác quản lí di sản nói chung và di tích nói riêng trên địa bàn tỉnh như: Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 04/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về việc ban hành Quy định quản lí bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu...

 

Ban quản lí di tích tỉnh trong những năm qua đã thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quản lí nhà nước về lễ hội, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Tại các di tích được thanh tra, công tác quản lí khu vực bảo vệ di tích, không gian di tích đã được quan tâm nhiều hơn; công tác quản lí, bảo vệ di vật, cổ vật, hiện vật thuộc di tích được tăng cường; công tác phát huy giá trị di tích ngày càng tốt hơn, là kênh quan trọng trong việc tuyên truyền lịch sử, văn hóa và danh thắng của địa phương đến người dân và du khách; từng bước quảng bá văn hóa truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lí, phát huy giá trị di tích lịch sử tại tỉnh Bạc Liêu còn một số tồn tại, hạn chế. Vì là tỉnh ven biển, nằm trong vùng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên hầu hết di tích đang bị xuống cấp, đòi hỏi phải được tu bổ, nâng cấp thường xuyên. Trong khi đó, nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn và tu bổ, tôn tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nên một số di tích được thanh tra có một số hạng mục đã có hiện tượng xuống cấp. Đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lí về di sản còn hạn chế, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lí di tích. 5 di tích còn tiếp nhận, bài trí hiện vật không nằm trong hồ sơ xếp hạng di tích; 3 di tích chưa đảm bảo về công tác phòng cháy, chữa cháy; 1 di tích chưa được quy hoạch tổng thể và chi tiết các hạng mục phụ trợ để bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử tại địa phương…

 

Thanh tra Bộ kiến nghị:

- Đối với Cục Di sản văn hóa:

+ Thường xuyên có văn bản hướng dẫn các địa phương nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lí, tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn; đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại trong công tác quản lí, tu bổ, tôn tạo di tích.

+ Hướng dẫn mở lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lí di tích ở các địa phương nhằm từng bước nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn về công tác quản lí di tích. Đồng thời, nâng cao nhận thức của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật về di sản văn hóa.

- Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu:

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát và xử lí sai phạm (nếu có) đúng quy định pháp luật trong công tác quản lí di tích.

+ Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu có biện pháp đầu tư chống xuống cấp di tích, nhất là các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng.

+ Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lí, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

+ Tham mưu UBND tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu.

- Đối với các Ban quản lí di tích:

+ Tiếp tục thực hiện công tác quản lí, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản quản lí nhà nước về di sản văn hóa; đảm bảo công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy, nổ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về giá trị của di tích; bổ sung nội quy, quy định thực hiện nếp sống văn minh; gắn việc phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch.

+ Tăng cường công tác quản lí, bảo vệ di vật, cổ vật, hiện vật; không tiếp nhận hiện vật không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích; bảo đảm công tác phòng, chống cháy, nổ tại di tích.

+ Thực hiện nghiêm Quyết định số 2245/QĐ-BVHTTDL ngày 25/6/2012 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, mỗi di tích không đặt quá 3 hòm công đức, trước các ban thờ không để quá 1 hòm đựng tiền dầu nhang; quản lí và sử dụng nguồn thu từ di tích theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lí, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.