THANH TRA CÔNG TÁC QUẢN LÍ DI TÍCH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ HÀ NỘI

12/07/2023  / 249 lượt xem

Thực hiện Quyết định số 44/QĐ-TTr ngày 03/4/2023 và Quyết định số 66/QĐ-TTr ngày 08/5/2023 của Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lí di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 9 di tích lịch sử văn hóa, trong đó, 5 di tích cấp quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh (Địa đạo Củ Chi, chùa Giác Lâm, đình Phú Nhuận, chùa Ngọc Hoàng (chùa Phước Hải), miếu Thiên Hậu (Hội quán Quảng Triệu)) và 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 3 di tích, cụm di tích cấp quốc gia tại Hà Nội (đền Hai Bà Trưng; cụm di tích đình La Khê, chùa Diên Khánh, chùa Phúc Khê; đền Đại Lộ; đền Lư Giang).

Kết quả thanh tra cho thấy, công tác quản lí di tích lịch sử - văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã được Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, các cấp chính quyền quan tâm triển khai thực hiện. Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng, ban hành các văn bản quản lí, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định pháp luật về di sản văn hóa. Các Ban quản lí di tích trong những năm qua đã thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quản lí nhà nước về di sản văn hóa nói chung và lễ hội, việc quản lí, bảo vệ, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị của di tích nói riêng. Công tác quản lí khu vực bảo vệ di tích, không gian di tích đã được quan tâm hơn. Công tác quản lí, bảo vệ di vật, cổ vật, hiện vật thuộc di tích được tăng cường. Công tác phát huy giá trị di tích ngày càng tốt hơn, qua đó đã tuyên truyền lịch sử, văn hóa và danh thắng của địa phương đến người dân và du khách, từng bước quảng bá văn hóa truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 

Tuy nhiên, công tác quản lí di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại các di tích được thanh tra còn một số tồn tại, hạn chế:

- Thành viên trong Ban quản lí di tích thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lí di tích; công tác phối hợp giữa Ban quản lí di tích với chính quyền địa phương chưa đồng bộ nên còn có những bất cập.

- Một số di tích còn tiếp nhận nhiều hiện vật không rõ nguồn gốc, không trong danh mục hồ sơ xếp hạng.

- Nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn và tu bổ, tôn tạo tại các di tích còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nên một số hạng mục tại một số di tích đã có hiện tượng xuống cấp.

 

- Công tác phòng, chống cháy, nổ tại một số di tích chưa thực sự được quan tâm.

- Tại 1 di tích chưa có nhà bao che để bảo quản một số hiện vật trưng bày tại di tích; khuôn viên của 1 di tích bên tả hữu nhà Chính điện có dựng 2 nhà mái tôn (nhà sắp lễ); gian thờ tự của một số di tích còn đặt nhiều hòm công đức và hòm đựng tiền dầu nhang…

Thanh tra Bộ kiến nghị các Ban quản lí di tích khắc phục các tồn tại phát hiện qua thanh tra; tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lí, bảo vệ và khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa tại địa phương theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản quản lí nhà nước về di sản văn hóa.