Thanh Hóa: Kiểm tra công tác quản lí, tổ chức hoạt động tín ngưỡng đầu Xuân Nhâm Dần năm 2022 và phòng, chống dịch Covid-19

26/04/2022  / 166 lượt xem

Thực hiện Chương trình công tác thanh tra, kiểm tra năm 2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, ngày 08/02/2022, Giám đốc Sở đã ban hành Quyết định số 76/QĐ-SVHTTDL về việc kiểm tra công tác quản lí, tổ chức hoạt động tín ngưỡng đầu Xuân Nhâm Dần năm 2022 và phòng, chống dịch Covid-19 tại một số di tích trên địa bàn các huyện của tỉnh. Từ ngày 09/02/2022 đến ngày 10/02/2022, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại 4 di tích, gồm: đền Nưa, đền Am Tiên (huyện Triệu Sơn); đền Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn (huyện Thường Xuân); Phủ Na (huyện Như Thanh).

Kết quả kiểm tra như sau:

1. Công tác quản lí, tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại di tích

a) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện

Các huyện đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch giao cho các xã, các đơn vị được giao quản lí di tích tổ chức mở cửa di tích cho nhân dân đến thực hiện tín ngưỡng tâm linh đầu xuân và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19. Các xã, các đơn vị được giao quản lí di tích đã xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể triển khai tổ chức hoạt động tín ngưỡng đầu Xuân Nhâm Dần 2022 và phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm di tích; bố trí đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ đã đề ra .

b) Công tác bảo vệ di tích

Tại các di tích được kiểm tra, các công trình thờ tự, đường đi lại trong khuôn viên di tích đã được tu bổ, phục hồi khang trang; bố trí các bãi để xe cho người dân đến thực hiện tín ngưỡng tâm linh phù hợp với không gian di tích. Các địa phương bố trí lực lượng trực bảo vệ di tích thường xuyên 24h/24h; hệ thống cửa, khóa của các công trình thờ tự tại các di tích được địa phương đầu tư chắc chắn, đảm bảo an toàn cho hiện vật tại di tích…; các công trình thờ tự, hiện vật di tích, cảnh quan môi trường không bị xâm hại, mất mát; không đưa hiện vật, linh vật lạ vào di tích.

c) Về hoạt động tín ngưỡng

Người dân đến thực hiện tín ngưỡng tâm linh chấp hành tốt nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, trang phục ăn mặc phù hợp với thuần phong mỹ tục, ứng xử có văn hoá, không nói tục, không xúc phạm đến tâm linh, thắp hương đúng nơi quy định, không chen lấn xô đẩy gây mất trật tự, an ninh, giữ gìn vệ sinh môi trường, không tham gia hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, không xâm hại đến cây cối, công trình thờ tự, hiện vật di tích.

d) Công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường

Các địa phương, Ban quản lí di tích đều thực hiện tổ chức tuyên truyền về nội quy, quy định bảo vệ di tích, việc thực hiện nếp sống văn minh nơi hoạt động tín ngưỡng tâm linh, hình thức phát trên loa phát thanh hoặc trên bảng panô đặt tại các điểm di tích.

Xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và tổ chức thực hiện tốt, không để xảy ra mất mát tài sản của di tích, tài sản của nhân dân, không để xảy ra chen lấn xô đẩy, gây mất an ninh, trật tự, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.

Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống cháy nổ; trang bị đầy đủ các phương tiện phòng, chống cháy nổ; bố trí lực lượng thường trực phòng, chống cháy nổ; nguồn điện được lắp đặt đảm bảo an toàn; đồ lễ có bao bì dễ cháy để xa bát hương thờ; không sử dụng nến, các chất dễ gây cháy.

Hệ thống giao thông đi lại đến các di tích được mở rộng, đi lại thuận tiện, không gây ùn tắc giao thông, không xảy ra mất an toàn giao thông.

Tại các di tích đã bố trí nhà vệ sinh công cộng đặt ở vị trí thuận lợi; bố trí đủ thùng đựng rác để thu gom rác thải; vệ sinh môi trường luôn duy trì thường xuyên sạch sẽ, rác thải được thu gom kịp thời.

đ) Về quản lí thu và sử dụng tiền công đức, dầu đèn

Theo báo cáo của các địa phương: Đối với di tích đền Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn, Phủ Na, việc thu và sử dụng tiền công đức, dầu đèn do đơn vị được giao quản lí di tích thực hiện thu và sử dụng dưới sự giám sát của chính quyền địa phương; mở sổ sách theo dõi nguồn tiền, công khai tài chính theo quy định pháp luật; đối với di tích đền Am Tiên, đền Nưa, các nguồn thu và sử dụng tiền công đức, dầu đèn do thủ từ thu, sử dụng và báo cáo chính quyền địa phương. Các nguồn tiền thu được sử dụng vào các hoạt động của di tích và tu bổ, tôn tạo công trình di tích.

2. Công tác phòng, chống dịch Covid-19

Các huyện đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các xã, đơn vị được giao quản lí di tích triển khai, tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19; các xã, đơn vị được giao quản lí di tích đã xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như:

- Tổ chức phun thuốc khử khuẩn tại khu vực thờ tự; chuẩn bị đủ nước sát khuẩn, khẩu trang y tế phục vụ người dân; bố trí lực lượng trực tại cổng ra vào di tích để kiểm soát mật độ người dân khi vào di tích đảm bảo theo quy định phòng, chống dịch Covid-19, đo thân nhiệt người dân để sàng lọc dịch bệnh; yêu cầu rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế; yêu cầu giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác; không tập trung quá 20 người trong cùng một thời điểm tại không gian thờ tự...

- Tổ chức tuyên truyền phát trên loa phát thanh, trên bảng panô đặt tại điểm di tích, nội dung khuyến cáo theo hướng dẫn của Bộ Y tế, của Sở Y tế về thông điệp 5K trong phòng, chống dịch Covid-19; kêu gọi mọi người cùng nhau thực hiện việc chung sống an toàn với dịch bệnh; thông báo số điện thoại đường dây nóng cần hỗ trợ.

3. Một số hạn chế, tồn tại phát hiện qua hoạt động kiểm tra

- Công tác tuyên truyền các quy định bảo vệ di tích, thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng ở một số di tích chưa được các địa phương quan tâm (đền Nưa, đền Am Tiên, Phủ Na).

- Còn diễn ra việc đặt tiền lễ trên bàn thờ, tiền bỏ trong khung kính đặt các con vật tại di tích gây phản cảm; công tác thu gom tiền chưa kịp thời (đền Nưa, đền Am Tiên, Phủ Na).

- Không bố trí lực lượng trực tại cổng di tích để kiểm soát mật độ người dân vào di tích theo quy định phòng, chống dịch Covid-19; một số người dân chưa chấp hành việc giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác; còn tập trung trên 20 người trong cùng một thời điểm tại không gian thờ tự (Đền Nưa, đền Am Tiêm).

Để nâng cao công tác quản lí trong hoạt đông tín ngưỡng và phòng chống Covid-19 tại các điểm di tích, chấn chỉnh khắc phục những hạn chế, tồn tại phát hiện qua hoạt động kiểm tra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện được kiểm tra:

- Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, quản lí bảo vệ di tích, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch Covid-19 tại các điểm di tích; khắc phục hạn chế, tồn tại nêu trên.

- Quan tâm bố trí lực lượng kiểm soát mật độ người dân vào di tích đảm bảo theo quy định phòng, chống dịch Covid-19.