QUẢNG NAM: Kiểm tra công tác quản lí, tổ chức lễ hội năm 2022

19/07/2022  / 219 lượt xem

Thực hiện Quyết định số 18/QĐ-SVHTTDL ngày 24/01/2022 của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam về việc kiểm tra công tác quản lí, tổ chức lễ hội năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 3 lễ hội: lễ hội Cầu Ngư (huyện Núi Thành), lễ hội Bà Thu Bồn (huyện Duy Xuyên), lễ hội Bà Phường Chào (huyện Đại Lộc).

Đối với lễ hội Cầu Ngư

Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng năm Nhâm Dần (ngày 20/02/2022) tại thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành. Ban tổ chức lễ hội do nhân dân trong thôn đứng ra thành lập gồm các tổ phục vụ nội dung, chương trình lễ hội theo phong tục truyền thống và tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông tại địa phương.

Ban tổ chức lễ hội thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của cấp trên: thực hiện nghiêm 5K, không tập trung đông người, không tổ chức ăn uống tại nơi diễn ra lễ hội. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lí rác thải được triển khai thực hiện hiệu quả. Nguồn thu từ xã hội hóa trong nhân dân được Ban tổ chức lễ hội quản lí, chủ yếu dùng để mua sắm các vật dụng, lễ vật phục vụ cho việc thờ cúng các lăng tẩm. Năm 2022, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên lễ hội Cầu Ngư chỉ tổ chức phần nghi lễ cúng theo phong tục truyền thống, không tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí. Các nghi lễ cúng (cúng các lăng tẩm trên núi Bàn Than, cúng các lăng tẩm dưới chân núi Bàn Than, cúng mộ Cá Ông và lễ Nghinh thần, cúng tiền hiền bổn xứ) diễn ra trang trọng, chu đáo theo nghi lễ truyền thống.

Đối với lễ hội Bà Thu Bồn

Lễ hội Bà Thu Bồn được tổ chức từ ngày 10-12 tháng Hai năm Nhâm Dần (12-14/3/2022) tại Lăng Bà Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên.

Ủy ban nhân dân xã Duy Tân đã ban hành Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 thành lập Ban tổ chức lễ hội, Kế hoạch số 09/KH-BTC ngày 18/02/2022 về tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn năm 2022, Kế hoạch số 10/KH-BTC ngày 18/02/2022 về phân công nhiệm vụ các tiểu ban phục vụ Lễ hội.

Lễ hội Bà Thu Bồn năm 2022 gắn với lễ đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, do đó, công tác tuyên truyền được chính quyền địa phương quan tâm, triển khai thực hiện qua các phương tiện như: pano, băng rôn, phướn, cổng chào,… dọc các tuyến đường chính tại huyện Duy Xuyên và xã Duy Tân, xung quanh khu vực Lăng Bà Thu Bồn.

Các gian hàng kinh doanh dịch vụ, trò chơi dân gian được bố trí theo sơ đồ tổng thể trong khuôn viên diễn ra hoạt động lễ hội tại sân vận động xã; phương tiện giao thông được bố trí trong khu vực riêng ngoài nơi diễn ra phần lễ và hội. Ban tổ chức đã xây dựng và triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong hoạt động lễ hội. Tiểu ban an ninh trật tự được thành lập gồm công an xã, dân quân tự vệ xã, ngoài ra còn có sự tăng cường của lực lượng công an, quân sự huyện để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực diễn ra lễ hội. Công tác phòng cháy, chữa cháy được quan tâm, nơi thờ tự, hành lễ có thắp nhang, đèn và trưng bày các vật nghi lễ đều có trang bị phương tiện chữa cháy.

Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm, chú trọng. Ban tổ chức đã thành lập tiểu ban vệ sinh môi trường - y tế - vệ sinh an toàn thực phẩm; bố trí các thùng đựng rác thải khắp các khu vực diễn ra lễ hội; xây dựng mới 1 công trình vệ sinh công cộng phía sau Lăng, bố trí 4 nhà vệ sinh lưu động ở sân vận động và sân bãi đua thuyền; tiến hành thu dọn vệ sinh môi trường, phân loại, xử lí rác thải trước và sau khi kết thúc lễ hội. Tuy nhiên, do có một bộ phận người dân còn chưa ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường dẫn đến vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi tại khu vực các gian hàng trò chơi dân gian, khu vực ăn uống,… gây mất mỹ quan.

Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19: Từ chiều ngày 12/3 đến sáng ngày 14/3, Ban tổ chức đã triển khai phun thuốc tiêu độc khử trùng 3 lần toàn bộ khu vực diễn ra lễ hội; thành lập trạm y tế dã chiến; bố trí nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, dán mã quét QR tất cả các điểm tập trung đông người; yêu cầu tuân thủ 5K đối với lực lượng phục vụ lễ hội và nhân dân tham dự; thường xuyên tuyên truyền công tác phòng, chống dịch trên đài truyền thanh của xã.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi theo đúng khung giờ trong kịch bản và có các tiểu ban trực tiếp điều hành, thu hút đông đảo nhân dân tham dự. Các gian hàng ẩm thực, kinh doanh hàng hóa đều bán đúng giá niêm yết, không buôn bán động vật quý hiếm, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Khu vực cúng đồ hàng mã được bố trí trong khuôn viên Lăng Bà Thu Bồn, được kiểm tra và giám sát thường xuyên. Các gian hàng trò chơi dân gian được tổ chức bài bản, đảm bảo quy định. Ban tổ chức đã quán triệt, nghiêm cấm các trò chơi ăn tiền, bói toán, lên đồng, các hoạt động mê tín dị đoan trong khuôn khổ lễ hội. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra đã phát hiện 1 trường hợp chơi "Bầu - Cua - Tôm - Cá" ăn tiền. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và Ban tổ chức đã kịp thời xử lí, chấm dứt ngay trò chơi ăn tiền trong lễ hội.

Việc sắp xếp hòm công đức, quản li thu, chi tiền công đức và các khoản thu được từ lễ hội: Hòm công đức được bố trí ngay tại chánh điện nơi thờ tự, được niêm phong và giao cho Ban tổ chức quản lí trong các ngày lễ hội, ngày thường giao cho Ban quản lí Lăng Bà Thu Bồn giữ. Tiền công đức và các khoản kinh phí đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho hoạt động lễ hội được chính quyền địa phương và Ban tổ chức công khai, niêm yết ngay tại nơi tổ chức lễ hội, được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Nguồn kinh phí thu tại lễ hội phần lớn chi cho các hoạt động trong lễ hội tại thời điểm diễn ra lễ hội, phần còn lại chi cho công tác trùng tu, tôn tạo, mua sắm các thiết bị phục vụ Lăng Bà Thu Bồn và lễ hội các năm tiếp theo. Sau lễ hội, Ban tổ chức tổng kết và báo cáo chi tiết thu, chi đến nhân dân toàn xã.

Đối với lễ hội Bà Phường Chào

Lễ hội Bà Phường Chào được tổ chức trong hai ngày 24-25 tháng Hai năm Nhâm Dần (26-27/3/2022) tại Dinh Bà Phường Chào, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc.

Ủy ban nhân dân xã Đại Cường đã ban hành Quyết định số 171/QĐ-UBND ngày 17/3/2022 thành lập Ban tổ chức lễ hội. Ban tổ chức đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội và thành lập 8 tiểu ban phục vụ lễ hội. Do dịch bệnh Covid-19 nên Ban tổ chức chỉ tổ chức phần lễ gồm: lễ tế Âm linh, lễ tế Tiên linh, lễ Đại tế chính thức. Phần hội không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao giải trí, chỉ tổ chức 2 đêm hô hát bài chòi phục vụ nhân dân địa phương.

Công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được quan tâm triển khai thực hiện. Khu vực Dinh Bà được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Tiểu ban vệ sinh môi trường và tiểu ban tuyên truyền vận động đã tiến hành vận động toàn thể nhân dân trên địa bàn xã ra quân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, khu vực Dinh Bà. Ban tổ chức đã bố trí nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, dán mã quét QR, yêu cầu tuân thủ 5K đối với lực lượng phục vụ và nhân dân tham dự. Tuy nhiên, do địa hình xa xôi nên việc bố trí, quy hoạch bãi trông giữ phương tiện giao thông tham dự lễ hội gặp khó khăn.

Qua kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra kiến nghị:

Đối với các địa phương có lễ hội được kiểm tra

- Tăng cường công tác quản lí nhà nước đối với hoạt động lễ hội. Tiếp tục quán triệt và thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Quyết định số 2261/QĐ-UBND ngày 09/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về ban hành Quy chế Quản lí và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội gắn với đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

- Bố trí quỹ đất đảm bảo phù hợp với không gian và quy mô tổ chức lễ hội, bố trí địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí phù hợp, huy động được sự tham gia đông đảo của nhân dân. Bổ sung nguồn kinh phí cho hoạt động lễ hội, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tạo nguồn lực đầu tư, tổ chức, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc trong tổ chức lễ hội.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những giá trị độc đáo của lễ hội.

Đối với các Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lí di tích

Tăng cường công tác quản lí trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức lễ hội.