Ninh Thuận: Kiểm tra công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể

26/04/2022  / 145 lượt xem

Thực hiện Quyết định số 203/QĐ-SVHTTDL ngày 24/11/2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận về kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, trong thời gian từ ngày 06/12 đến ngày 08/12/2021, Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận tiến hành kiểm tra tại 9 di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn, gồm: đình Đắc Nhơn (huyện Ninh Sơn), đình Thuận Hòa, đình Vạn Phước (huyện Ninh Phước), đình Dư Khánh, đình Tri Thủy, đình Khánh Nhơn (huyện Ninh Hải), đình Văn Sơn, đình Tấn Lộc, chùa Ông (Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm).

Qua kiểm tra cho thấy, Ban quản lí các di tích đã triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng về quản lý di sản di tích; công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn để giữ đúng các yếu tố gốc của di tích, góp phần bảo tồn các giá trị di sản, tạo điều kiện cho phát triển du lịch tâm linh của địa phương; công tác vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, bảo đảm an ninh, trật tự tại các di tích được quan tâm triển khai thường xuyên. Hầu hết các di tích khi thực hiện dự án trùng tu, sửa chữa đều thành lập Tổ giám sát cộng đồng để theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thi công, sử dụng vật liệu đảm bảo theo thiết kế hoặc kịp thời phát hiện các sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố đã theo dõi, hướng dẫn Ban quản lý di tích thực hiện tốt các quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Tuy nhiên, tại các di tích còn một số tồn tại, hạn chế, như: một số hạng mục, công trình tại một số di tích đã xuống cấp (như nhà chánh điện, nhà thờ tiền hiền tại đình Đắc Nhơn; mái ngói của nhà chánh điện tại đình Vạn Phước; mặt tiền chánh điện tại đình Tri Thủy; cửa tam quan và cửa nhà tiền hiền tại đình Khánh Nhơn); tại chùa Ông, công tác bảo quản, chống xuống cấp, tu sửa di tích còn hạn chế. Việc cân đối, sử dụng ngân sách nhà nước cho công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào bảo vệ di sản văn hóa còn ít. Ngoài ra, tại đình Đắc Nhơn chưa xây dựng hệ thống thoát nước; tại đình Thuận Hòa chưa có bể nước và bình chữa cháy, người quản lí trông coi đình chưa được tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy; công tác vệ sinh môi trường tại đình Dư Khánh chưa được bảo đảm;... Mặt khác, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác di sản văn hóa tại một số địa phương còn thiếu và thường xuyên thay đổi vị trí công tác, chưa thực sự am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán địa phương nên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công tác.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá tri di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện một số nội dung như sau:

- Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường theo dõi, hướng dẫn Ban Quản lí di tích ở địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lí, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương theo quy định pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan; hướng dẫn các Ban quản lí di tích tại địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời các hoạt động, dịch vụ trái phép trong di tích và hoạt động lợi dụng lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, làm mất trật tự an toàn xã hội.

- Đẩy mạnh thực hiện các phương án bảo vệ, phòng, chống cháy nổ, trộm cắp hiện vật, tài sản tại di tích; bảo đảm giữ gìn tuyệt đối an toàn an ninh trật tự cho khách tham quan.

Đồng thời kiến nghị các Ban quản lí di tích tiếp tục thực hiện nghiêm quy định pháp luật về quản lí, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và các quy định pháp luật có liên quan.