Kiểm tra công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại tỉnh Ninh Thuận

15/10/2020  / 227 lượt xem

Từ ngày 23/6 đến ngày 28/6/2020, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Di sản văn hóa tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể tại tỉnh Ninh Thuận.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có 239 di tích, danh thắng được xếp hạng và đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó, có 63 di tích, danh thắng đã được xếp hạng (19 di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt; 44 di tích cấp tỉnh), 176 di tích được đưa vào danh mục được kiểm kê.

Nhằm triển khai công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 phân cấp trực tiếp quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh; di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Công tác chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích đã được UBND tỉnh quan tâm. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư hằng năm cho công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích ngày càng tăng. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định pháp luật về di sản văn hóa.

Qua kiểm tra cho thấy, hệ thống di tích, danh thắng tại tỉnh Ninh Thuận chưa được quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các hạng mục phụ trợ. Dự án tu bổ di tích được thực hiện nhưng nguồn vốn còn nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư đồng bộ cho di tích. Cơ sở hạ tầng tại các di tích còn yếu, hệ thống giao thông đến di tích chưa thật sự thuận lợi. Việc tuyên truyền, giới thiệu, tổ chức khai thác tại các di tích còn đơn điệu, chưa có sự kết hợp tốt giữa khai thác di sản văn hóa vật thể với di sản văn hóa phi vật thể; hoạt động tổ chức giới thiệu tại di tích chưa được thực hiện một cách khoa học, bài bản. Công tác phân cấp quản lý di tích cho các cấp chính quyền mới triển khai ở mức văn bản hành chính, chưa có quy chế cụ thể, do đó, trách nhiệm bảo vệ, sử dụng và khai thác cụ thể của các cấp chưa được phân định rõ ràng. Hầu hết các điểm di tích chưa được khoanh vùng ranh giới cụ thể, chưa xác định được diện tích để ưu tiên bảo vệ; các tài liệu, tư liệu về di tích lịch sử chưa có điều kiện sưu tầm, tập hợp nên công tác tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế.

Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 08 điểm di tích: Tháp Pô Klong Giarai, Tháp Pôrômê, Đình Văn Sơn, Đình Khánh Nhơn, Đình Tri Thủy, Đình Đắc Nhơn, Đình Thuận Hòa và Chùa Ông, trong đó, có 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (Tháp Pô Klong Giarai), 07 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Qua kiểm tra cho thấy, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại các di tích còn một số tồn tại, như 05 di tích có một số hạng mục đã xuống cấp; 04 di tích để nhiều đồ không phải đồ thờ tự bên trong di tích; 02 di tích tiếp nhận công đức bằng hiện vật, nhất là ghế xi măng; 05 di tích có hệ thống dây điện không đảm bảo phòng chống cháy nổ; 01 di tích chưa đầu tư các hạng mục phụ trợ.

Thanh tra Bộ kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận:

+ Tiếp tục tham mưu chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và khai thác giá trị di tích lịch sử văn hoá tại địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hoá và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

+ Chỉ đạo Quy hoạch tổng thể và rà soát Quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các hạng mục phụ trợ (như hệ thống hàng quán dịch vụ, nhà làm việc, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn…), khoanh vùng và cắm mốc di tích trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Tăng cường công tác tuyền truyền tại di tích, giới thiệu về lịch sử di tích phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, đảm bảo thông tin nhanh, chính xác, dễ hiểu, gắn với hệ thống các tour, tuyến làm điểm đến của nhân dân và du khách.

+ Chỉ đạo, hướng dẫn các Ban quản lý di tích vừa bảo vệ, vừa khai thác phát huy các giá trị di tích theo quy định pháp luật. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác chuyên môn tại các di tích và danh thắng, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên.

+ Chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường công tác thanh tra về di sản văn hóa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về di sản văn hóa trên địa bàn.

Đồng thời, Thanh tra Bộ kiến nghị các cơ quan, tổ chức được giao quản lý di tích:

+ Phối hợp với các ngành chức năng đảm bảo công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy tại các di tích được giao quản lý.

+ Không để các hoạt động ép giá, chèo kéo khách và các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, đưa đồ mã, đổi tiền lẻ diễn ra tại khu vực di tích. Bổ sung hệ thống bảng, biển giới thiệu về giá trị của di tích, nội quy, quy định thực hiện nếp sống văn minh tại di tích; kết hợp phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch; quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống hàng quán dịch vụ.

+ Không tiếp nhận công đức bằng hiện vật vào di tích mà không có trong hồ sơ xếp hạng. Thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc đặt hòm công đức. Thực hiện công tác thu, chi, quản lý nguồn thu theo đúng quy định pháp luật.