Hội nghị giao ban quý III năm 2021 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia

17/11/2021  / 59 lượt xem

Ngày 14 tháng 10 năm 2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức Hội nghị giao ban quý III năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Hội nghị do đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì. Hội nghị có sự tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

Qua báo cáo kết quả công tác quý III cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là việc sản xuất, buôn bán sản phẩm thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch Covid-19 không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ có chiều hướng gia tăng. Bằng nhiều phương thức, thủ đoạn, tại các địa bàn tỉnh biên giới giáp ranh, các đối tượng sử dụng xe ô tô, xuồng máy hoặc mang vác, vận chuyển trái phép qua biên giới. Một số đối tượng đặt sản xuất hàng giả, giả nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập lậu về tiêu thụ trong nước, phổ biến là sử dụng mạng internet để thực hiện giao dịch mua bán. Tại điểm bán hàng, hàng thật và hàng giả được trưng bày lẫn lộn để đánh lừa người tiêu dùng và đối phó với lực lượng chức năng.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, một phương thức mới mà các đối tượng sử dụng là lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo luồng xanh để vận chuyển, mua bán trái phép hàng lậu, hàng cấm. Nhiều đối tượng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro, thông thoáng trong hoạt động xuất, nhập khẩu để không khai báo, khai báo không đúng với hàng hóa thực nhập để trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện.

Các mặt hàng nhập lậu, làm giả, nhái chủ yếu là vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch như: khẩu trang, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, que test Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng… Cùng với đó là các mặt hàng: thuốc lá điếu, nguyên liệu thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, thuốc tân dược, nguyên liệu thuốc đông y, dược liệu, than, xăng dầu; sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm; ma túy và các sản phẩm từ ma túy…

Tính đến hết tháng 9/2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 100 ngàn vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách nnước hơn 7,5 ngàn tỷ đồng; khởi tố hơn 1.600 vụ việc với hơn 2.100 đối tượng.

Phó Thủ tướng yêu cầu, từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chủ chốt và trách nhiệm người đứng đầu trong phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, vận động người dân không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.

VHGĐ