Các ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư tại Việt Nam

28/07/2021  / 89 lượt xem

Ngày 26/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Nghị định quy định cụ thể 25 ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

 Trong 25 ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài có các ngành, nghề: đánh bắt và khai thác hải sản; dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; dịch vụ bưu chính công ích; kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ; kinh doanh dịch vụ lữ hành (trừ dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam); dịch vụ kiểm định (kiểm tra, thử nghiệm) và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện giao thông vận tải (gồm hệ thống, tổng thành, thiết bị, linh kiện của phương tiện)…

Nghị định cũng nêu rõ Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thực hiện việc rà soát, cập nhật điều kiện tiếp cận thị trường đối với Danh mục 25 ngành, nghề mà nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận để đăng tải lên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư.

Đối với những ngành, nghề khác đã được quy định điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài nhưng chưa cập nhật vào Danh mục 25 ngành, nghề nêu trên thì sẽ thực hiện theo quy định, điều ước quốc tế.

Ngoài ra, khi hoạt động tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện về việc sử dụng đất đai, lao động; sản xuất, cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ công hay hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước; tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Trong 59 ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài có các ngành nghề: bảo hiểm; ngân hàng; kinh doanh chứng khoán và những dịch vụ khác liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán; dịch vụ bưu chính, viễn thông; kinh doanh đặt cược, casino; kinh doanh dịch vụ logistics; vận tải biển ven bờ. Trong đó, ngành thứ 59 là những ngành, nghề đầu tư theo cơ chế thí điểm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Những nhà đầu tư là người Việt Nam và có thêm quốc tịch nước ngoài được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, đối với những ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận thị trường nếu những Luật, quy định khác không cấm và ngược lại.

Trong trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỉ lệ sở hữu của tất cả nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá tỉ lệ cao nhất. Nếu nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỉ lệ sở hữu của tất cả nhà đầu tư đó không được vượt quá tỉ lệ sở hữu quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư. Nếu tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ ở mức thấp nhất.

Đối với công ti đại chúng, công ti chứng khoán, công ti quản lí quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ti đầu tư chứng khoán, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện theo quy định về chứng khoán.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/3/2021.