Kết luận thanh tra tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội

28/07/2021  / 1701 lượt xem

Ngày 29/4/2021, Chánh Thanh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kết luận thanh tra số 28/KL-TTr kết luận việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lí tài chính và quản lí, sử dụng tài sản công; trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2019-2020 tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Sau đây là một số nội dung của Kết luận thanh tra:

I. KẾT LUẬN VỀ NHỮNG NỘI DUNG TIẾN HÀNH THANH TRA

1. Những mặt đã làm được

a) Về công tác quản lí tài chính và quản lí, sử dụng tài sản công

- Trường thực hiện lập, phân bổ dự toán theo thời gian quy định trên cơ sở thuyết minh tình hình thực hiện và ước thực hiện của các năm trước.

- Trường đã xây dựng Quy chế Chi tiêu nội bộ làm căn cứ chi cho các hoạt động của Trường.

- Đối với nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp: Trường đã thực hiện quản lí và sử dụng các nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp đảm bảo các hoạt động thường xuyên và không thường xuyên trên cơ sở dự toán đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) phê duyệt. Nhìn chung, Trường đã chấp hành Luật Ngân sách và thực hiện  các khoản chi theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ tài chính hiện hành.

- Các khoản thu dịch vụ và thu khác: Trường đã phản ánh trong hệ thống sổ sách kế toán, tính và kê khai nộp thuế; phần chênh lệch thu lớn hơn chi được trích lập các Quỹ, chi thu nhập tăng thêm, chế độ phúc lợi cho công chức, viên chức và người lao động.

- Về công tác quản lí tài sản cố định: Trường đã mở sổ theo dõi chi tiết tài sản cố định, lập báo cáo theo biểu mẫu, phản ánh theo dõi ghi tăng các loại tài sản cố định, cuối năm đã lập bảng tính hao mòn tài sản cố định.

- Trường đã chấp hành các quy định pháp luật về kế toán. Báo cáo tài chính của đơn vị được lập theo biểu mẫu quy định và thực hiện công tác khóa sổ cuối năm theo quy định tại Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lí ngân sách cuối năm và lập báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm. Chứng từ kế toán được lập đầy đủ, phân loại và lưu trữ theo quy định.

b) Về trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng

- Trường đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và các văn bản khác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại đơn vị.

- Trường đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của đơn vị; xây dựng và thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ (10 quy chế, quy định); phổ biến và thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong đơn vị và việc thực hiện Quyết định số 2148/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2019 của Bộ VHTTDL ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ VHTTDL; xây dựng và công khai danh mục vị trí công tác cần chuyển đổi; thực hiện ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt.

- Trường đã triển khai thực hiện một số quy định về phát hiện, xử lí hành vi tham nhũng tại đơn vị: Tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của một số tổ chức thuộc Trường; đã thực hiện công khai các kết luận kiểm toán, phê duyệt quyết toán; Ban thanh tra nhân dân đã thực hiện nhiệm vụ theo quy định; trong năm 2019, 2020 không nhận được phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng.

2. Những tồn tại

2.1. Công tác quản lí tài chính và quản lí, sử dụng tài sản công

a) Về Quy chế chi tiêu nội bộ

- Trường chưa quy định rõ các khoản chi theo từng nguồn kinh phí, chưa quy định tỉ lệ trích lập các Quỹ.

- Quy định chi quản lí các hoạt động dịch vụ (trích 10% cho hoạt động công đoàn, trích từ 20% đến 30% cho quản lí điều hành) chưa căn cứ trên cơ sở sự phân công nhiệm vụ.

- Một số khoản chi không đúng tính chất Quỹ phúc lợi như: Chi lương tăng thêm cho khối hành chính 25% tháng, chi phúc lợi cho toàn thể công chức, viên chức và người lao động bằng tiền không có nội dung chi (từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng một năm hai lần), chi tiền tổ chức thu học phí cho các phòng, khoa, ban và cán bộ trực tiếp thu học phí theo học kì.

- Chưa quy định cụ thể cách tính chi trả thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức và người lao động.

b) Về các khoản thu

Chưa quy định những nội dung liên quan đến việc khai thác và quản lí các nguồn thu, phương pháp trích khấu hao tài sản khi đưa vào cho thuê, liên doanh, liên kết với Trường.

c) Về các khoản chi

Một số khoản chi được quy định trong Quy chế Chi tiêu nội bộ thiếu căn cứ pháp lí như: chi thù lao thu học phí cho các phòng, ban, khoa; chi lương tăng thêm cho khối hành chính; chi quản lí hoạt động dịch vụ.

d) Về chứng từ kế toán

Trường chưa xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với việc mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất nhỏ theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính. 

đ) Về công tác quản lí, sử dụng tài sản công

 Về việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, cho thuê: Các hợp đồng Trường đã kí kết phần lớn là hợp đồng cho thuê cơ sở vật chất. Theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lí, sử dụng tài sản công, việc cho thuê, liên doanh, liên kết Trường phải xây dựng Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, cho thuê báo cáo Bộ VHTTDL phê duyệt. Như vậy, việc cho thuê cơ sở vật chất hiện nay của Trường là chưa đúng quy định của Luật Quản lí, sử dụng tài sản công.

2.2. Về trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng

- Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa được ghi nhận vào Biên bản cuộc họp, Nghị quyết của Chi bộ, Biên bản Hội nghị cán bộ, viên chức của đơn vị.

- Trường chưa xây dựng Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác hằng năm theo quy định.

II. KIẾN NGHỊ BIỆN PHÁP XỬ LÍ

1. Đối với Vụ Kế hoạch, Tài chính

- Xem xét, hướng dẫn Trường rà soát hiện trạng về nhà, đất Trường đang sử dụng, đối chiếu thực tế với số liệu trên sổ sách kế toán, điều chỉnh theo đúng quy định pháp luật về kế toán, đảm bảo hợp lí, hiệu quả trong công tác quản lí, sử dụng tài sản công.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lí, sử dụng tài sản công của Trường vào mục đích liên doanh, liên kết, cho thuê. Yêu cầu Trường xây dựng Đề án theo đúng quy định của pháp luật về quản lí, sử dụng tài sản công, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét phê duyệt theo đúng quy định để Trường có cơ sở triển khai thực hiện.

2. Đối với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội

a) Công tác quản lí tài chính và quản lí, sử dụng tài sản công

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế Chi tiêu nội bộ theo quy định của Nhà nước và phù hợp với đặc điểm của Trường, đảm bảo thuận lợi cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, đúng nội dung chi, đối tượng chi, nguồn chi, đảm bảo tính hợp lí, hợp lệ trong công tác tài chính - kế toán của đơn vị. Sửa đổi quy định về chi thu nhập tăng thêm, quy định về trích lập các quỹ cho phù hợp với quy định tại Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính.

- Có biện pháp chấn chỉnh đối với những tồn tại, thiếu sót như đã nêu trên, thực hiện đúng các quy định về công tác tài chính, kế toán. Đối với các khoản thu phát sinh từ hoạt động cho thuê, liên doanh, liên kết phải thực hiện kê khai và nộp đầy đủ các khoản thuế theo quy định của pháp luật.

- Hằng năm, xây dựng Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với việc mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất nhỏ theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. 

- Xây dựng hoàn thiện Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết báo cáo Bộ VHTTDL xem xét, phê duyệt, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trường và tuân thủ đúng quy định pháp luật về quản lí, sử dụng tài sản công. Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Quản lí, sử dụng tài sản công; Công văn số 2200/BVHTTDL-KHTC ngày 11/6/2019; Công văn số 791/BVHTTDL-KHTC về việc tăng cường việc quản lý sử dụng tài sản công vào kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên kết và Công văn số 487/BVHTTDL-KHTC ngày 08/02/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về quản lí, sử dụng tài sản công. Rà soát, cập nhật, bổ sung Quy chế Quản lí, sử dụng tài sản công theo đúng nội dung quy định tại Điều 7 Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lí, sử dụng tài sản công.

b) Trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng

- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc tuyên truyền, phổ biến cần ghi nhận vào Biên bản cuộc họp, Nghị quyết của Chi bộ, Biên bản Hội nghị cán bộ, viên chức của đơn vị.

- Triển khai nghiêm túc Kế hoạch số 715/KH-BVHTTDL ngày 08/3/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Công văn số 733/BVHTTDL-TCCB ngày 09/3/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn kiểm soát tài sản, thu nhập.

- Thường xuyên tiến hành kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

- Xây dựng Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác hằng năm theo quy định.

- Tiếp tục thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo định kì về công tác phòng, chống tham nhũng của đơn vị (hằng quý, 6 tháng, 9 tháng, hằng năm) theo quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021 của Thanh tra Chính phủ.