KẾT LUẬN THANH TRA VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THỂ DỤC, THỂ THAO ĐỐI VỚI CÁC LIÊN ĐOÀN, HIỆP HỘI THỂ THAO QUỐC GIA
Thực hiện Quyết định số 15/QĐ-TTr của Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về thể dục, thể thao đối với các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia (sau đây gọi chung là Liên đoàn thể thao quốc gia), từ ngày 27/2/2024 đến ngày 05/4/2024, Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra, xác minh trực tiếp các nội dung thanh tra.
Trên cơ sở kết quả thanh tra và văn bản giải trình của Cục Thể dục thể thao về việc giải trình dự thảo Kết luận thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kết luận thanh tra số 80/KL-TTr ngày 23/8/2024 với các nội dung chính như sau:
A. KHÁI QUÁT CHUNG
I. CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Theo Quyết định số 1440/QĐ-BVHTTDL ngày 05/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thể dục thể thao (TDTT), Cục TDTT là tổ chức hành chính thuộc Bộ VHTTDL thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thể dục, thể thao trên phạm vi cả nước; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về thể dục, thể thao theo quy định của pháp luật.
Cục TDTT được giao tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về thể dục thể thao đối với hoạt động của các liên đoàn thể thao quốc gia, tổ chức phi Chính phủ trong lĩnh vực thể dục, thể thao theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của Bộ trưởng.
Cục TDTT có 07 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, gồm:
- Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Phòng Thể dục thể thao cho mọi người, Phòng Thể thao thành tích cao I, Phòng Thể thao thành tích cao II, Phòng Hợp tác quốc tế, Phòng Kế hoạch, Tài chính, Phòng Tổ chức cán bộ, Văn phòng.
- Các đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Viện Khoa học thể dục thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia thành phố Cần Thơ, Trung tâm Doping và Y học thể thao, Trung tâm Thông tin - Truyền thông thể dục thể thao, Trung tâm Thể thao Ba Đình, Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Bệnh viện Thể thao Việt Nam.
Theo quy định, trách nhiệm trong quản lý nhà nước về thể dục, thể thao đối với các liên đoàn thể thao quốc gia gồm: (1) Ban hành cơ chế, chính sách để liên đoàn thể thao quốc gia tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn phản biện và giám định xã hội, cung cấp dịch vụ công, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề các hoạt động thể dục, thể thao theo quy định của pháp luật; (2) Tạo điều kiện để liên đoàn thể thao quốc gia tham gia các hoạt động thể dục, thể thao phù hợp với điều kiện và khả năng của liên đoàn thể thao quốc gia; (3) Hướng dẫn hoạt động của liên đoàn thể thao quốc gia theo quy định của pháp luật; (4) Khen thưởng liên đoàn thể thao quốc gia theo quy định của pháp luật; (5) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về liên đoàn thể thao quốc gia theo quy định của pháp luật.
II. LIÊN ĐOÀN THỂ THAO QUỐC GIA
Liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp về một môn hoặc một số môn thể thao; Hoạt động tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện quyền, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật.
Liên đoàn thể thao quốc gia là thành viên của các tổ chức thể thao quốc tế tương ứng của môn thể thao; đại diện cho thể thao Việt Nam đăng cai các giải thể thao quốc tế (trừ các đại hội thể thao của học sinh, sinh viên và của lực lượng vũ trang); đăng ký với các liên đoàn thể thao quốc tế cử vận động viên của môn thể thao tham gia các giải thể thao quốc tế; là chủ thể (đầu mối) quan hệ và phối hợp hoạt động với các liên đoàn thể thao quốc tế và liên đoàn thể thao của các quốc gia khác.
Đến tháng 12/2023 có 38 Liên đoàn thể thao quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL (Năm 2021 có 35 Liên đoàn thể thao quốc gia; năm 2022 thành lập mới 02 liên đoàn thể thao quốc gia: Billiards & Snooker, Đá cầu; năm 2023 thành lập mới 01 liên đoàn thể thao quốc gia: Lân sư rồng).
Cơ cấu tổ chức của các liên đoàn thể thao quốc gia gồm Đại hội liên đoàn, Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra, các Ban chức năng, Văn phòng Liên đoàn và Tổ chức trực thuộc.
Theo số liệu thống kê, hiện có 06 liên đoàn thể thao quốc gia có số ủy viên Ban chấp hành dưới 20 người, 21 liên đoàn thể thao quốc gia có số ủy viên Ban chấp hành từ 21 - 30 người, 04 liên đoàn thể thao quốc gia có số ủy viên Ban chấp hành từ 31 - 40 người, 05 liên đoàn thể thao quốc gia có số lượng uỷ viên Ban chấp hành trên 40 người.
Tại một số liên đoàn thể thao quốc gia như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam có tổ chức Văn phòng và các phòng chức năng chuyên trách để triển khai nhiệm vụ trên từng lĩnh vực. Riêng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có 11 phòng chức năng. Còn lại các liên đoàn thể thao quốc gia chưa có bộ máy văn phòng hoạt động chuyên trách (có 25/38 liên đoàn có từ 02 cán bộ văn phòng trở lên), Tổng thư ký liên đoàn thể thao quốc gia là cán bộ thuộc Cục TDTT hoặc nguyên cán bộ Cục TDTT, thường chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm.
Hiện mới chỉ có duy nhất Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có bộ máy kế toán theo quy định. 08/38 liên đoàn thể thao quốc gia có bố trí kế toán và thủ quỹ chuyên trách theo quy định (Liên đoàn Bóng chuyền, Hiệp hội Thể thao dưới nước, Liên đoàn Quần Vợt, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền, Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Điền kinh, Liên đoàn Quyền anh, Liên đoàn Đua thuyền). Các liên đoàn thể thao quốc gia còn lại chỉ thực hiện cơ chế bố trí kế toán kiêm nhiệm.
B. KẾT QUẢ KIỂM TRA, XÁC MINH
I. VIỆC THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC, VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐỂ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI LIÊN ĐOÀN THỂ THAO QUỐC GIA
1. Về xây dựng định hướng chiến lược phát triển các Liên đoàn thể thao quốc gia
Cục TDTT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng một số định hướng, chiến lược phát triển các liên đoàn thể thao quốc gia, cụ thể:
- Nghị quyết 08-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 01/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020, theo đó khẳng định: “Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức xã hội trong quản lý, điều hành các hoạt động thể dục, thể thao”. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là: “Phát huy vai trò của các liên đoàn, hiệp hội thể thao trong việc điều hành các hoạt động thể thao”. Nghiên cứu việc hình thành hệ thống tổ chức xã hội mang tính liên hiệp về thể dục, thể thao từ cơ sở đến toàn quốc, để tập hợp và điều phối chung đối với các tổ chức xã hội về thể dục, thể thao, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, có sự quản lý và hỗ trợ về tài chính của Nhà nước. “Khuyến khích các tổ chức xã hội, các cơ sở thể thao ngoài công lập tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao”.
- Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW. Theo đó, Chính phủ giao Bộ VHTTDL một số nhiệm vụ cụ thể về chính sách phát triển các liên đoàn thể thao quốc gia là: “Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể dục, thể thao trong việc quản lý, điều hành các hoạt động thể dục, thể thao; xây dựng Quy chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể dục, thể thao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia” và xây dựng “Đề án chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể dục, thể thao”.
Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, Cục TDTT chưa tham mưu ban hành được Quy chế phối hợp và Đề án.
- Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 09/12/2010) nêu rõ nhiệm vụ đối với phát triển các Liên đoàn thể thao quốc gia là: “Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Liên đoàn thể thao quốc gia. Đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện chuyển giao từng bước các hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực thể dục, thể thao cho các Liên đoàn thể thao quốc gia. Tiếp tục phát triển hệ thống Liên đoàn thể thao quốc gia; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức này để phát huy vai trò tích cực của hệ thống Liên đoàn thể thao quốc gia trong sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao Việt Nam giai đoạn 10 năm tới”.
- Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW có đánh giá: “Vai trò của các tổ chức xã hội và xã hội nghề nghiệp chưa được phát huy đầy đủ”, đồng thời chỉ đạo ban hành Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó có các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với việc phát huy vai trò của các Hội thể thao quốc gia. Ngày 12/4/2024, Cục Thể dục thể thao đã tham mưu Ban Cán sự Đảng Bộ ban hành Chương trình hành động số 06-CTr/BCSĐ để thực hiện Kết luận số 70-KL/TW, theo đó xác định 2 nhiệm vụ đối với phát triển các Liên đoàn thể thao quốc gia là: (1) Tăng cường phân cấp quản lý thể dục, thể thao cho các địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể dục, thể thao; (2) Tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa các liên đoàn thể thao quốc gia với các liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng.
Đến thời điểm thanh tra, Cục TDTT chưa tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành được Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
2. Về xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về thể dục, thể thao đối với liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia
2.1. Cục TDTT đã tham mưu, phối hợp tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước về thể dục, thể thao đối với các Liên đoàn thể thao quốc gia gồm: 01 Luật, 03 Nghị định và 07 Thông tư. Hệ thống này phân thành 03 nhóm cơ bản sau đây:
a) Nhóm văn bản quy định quyền và nghĩa vụ của các liên đoàn thể thao quốc gia, gồm Luật thể dục, thể thao và các Nghị định quy định chi tiết.
b) Nhóm văn bản quy định trách nhiệm trong quản lý nhà nước về thể dục, thể thao đối với các liên đoàn thể thao quốc gia.
Trên cơ sở báo cáo của Cục TDTT và của các liên đoàn thể thao quốc gia, kết quả rà soát, đánh giá cho thấy, hiện nay các quy định chung về quản lý nhà nước về thể dục, thể thao đối với các liên đoàn thể thao quốc gia đã cơ bản đầy đủ.
Tuy nhiên, quy định về công tác kiểm tra hoạt động đối với các liên đoàn thể thao quốc gia còn chưa cụ thể, chưa rõ hình thức, nội dung; quy định về chế độ báo cáo, thông tin giữa liên đoàn thể thao quốc gia đối với Cục TDTT và ngược lại còn chung chung, thiếu khả thi.
c) Nhóm các văn bản quy định cơ chế, chính sách để các liên đoàn thể thao quốc gia tham gia quản lý, điều hành hoạt động thể dục, thể thao.
Theo đó, một số cơ chế, chính sách cơ bản sau đây đã được quy định gồm: (1) quản lý tổ chức giải thể thao, (2) thành lập đội thể thao quốc gia, (3) tổ chức tập huấn chuyên môn hành nghề hướng dẫn tập luyện thể thao, (4) một số cơ chế, chính sách khác.
Qua rà soát, đánh giá trên cơ sở báo cáo của Cục TDTT, báo cáo của các liên đoàn thể thao quốc gia và tình hình thực tiễn cho thấy cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các liên đoàn thể thao quốc gia tham gia quản lý, điều hành hoạt động thể dục, thể thao còn một số tồn tại:
- Chưa đầy đủ (thiếu cơ chế để liên đoàn thể thao quốc gia tham gia hoạt động đào tạo, tập huấn vận động viên, thiếu quy định về phân loại liên đoàn thể thao quốc gia để áp dụng các chính sách cho phù hợp, thiếu quy định về tiêu chuẩn phong cấp huấn luyện viên, trọng tài để liên đoàn thể thao quốc gia thực hiện phong cấp);
- Chưa cụ thể (quy định việc liên đoàn tham gia tổ chức giải thi đấu thể thao sử dụng ngân sách Nhà nước, tham gia ý kiến về thành phần đội tuyển thể thao quốc gia còn rất chung chung, không rõ trách nhiệm, cách thức phối hợp);
- Chưa phù hợp (việc quy định tổ chức giải sử dụng ngân sách Nhà nước do Cục TDTT chủ trì tổ chức là chưa phù hợp với quy định về cơ chế đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công).
II. VIỆC THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM TRONG MỘT SỐ NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI LIÊN ĐOÀN THỂ THAO QUỐC GIA
1. Về cử công chức, viên chức của Cục TDTT tham gia các Liên đoàn thể thao quốc gia
1.1. Cục TDTT cử 52 công chức, viên chức (trong đó có 38 công chức và 14 viên chức) thuộc Cục TDTT tham gia các liên đoàn thể thao quốc gia. Cụ thể như sau:
- 03 công chức làm Chủ tịch, 10 công chức tham gia Liên đoàn thể thao quốc gia với chức danh Phó Chủ tịch (có người tham gia 2-3 liên đoàn thể thao quốc gia). 13 công chức tham gia liên đoàn thể thao quốc gia với chức danh Tổng thư ký. Số công chức còn lại tham gia liên đoàn thể thao quốc gia là Ủy viên Ban chấp hành.
- 01 viên chức làm Chủ tịch, 02 viên chức làm Phó Chủ tịch, 01 viên chức làm Tổng thư ký. Số còn lại là Ủy viên Ban chấp hành.
- Cục TDTT đã cơ cấu lại đội ngũ công chức trước đây biệt phái làm việc tại các liên đoàn thể thao quốc gia. Hiện nay, các công chức biệt phái đã chuyển sang làm cán bộ chuyên trách, chịu sự quản lý trực tiếp của liên đoàn thể thao quốc gia. Riêng đối với Liên đoàn Bóng đá là liên đoàn thể thao quốc gia đặc thù, có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng nhân dân, để bao quát và nắm bắt hoạt động phục vụ công tác quản lý nhà nước, Cục TDTT cử 01 công chức tham gia làm công tác chuyên trách là ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
1.2. Về quy trình cử công chức, viên chức tham gia các Liên đoàn thể thao quốc gia
- Căn cứ quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy định chi tiết, thực hiện sự phân cấp về quản lý cán bộ của Bộ VHTTDL, khi liên đoàn thể thao quốc gia có nhu cầu mời công chức, viên chức của Cục TDTT tham gia tổ chức của liên đoàn thể thao quốc gia thì đề xuất bằng văn bản gửi Cục TDTT. Cục TDTT chuyển đơn vị chuyên môn có nhân sự được đề xuất để tổ chức họp cho ý kiến.
- Sau khi có ý kiến đồng ý của đơn vị, Cục TDTT gửi phiếu xin ý kiến Ban Thường vụ Đảng uỷ, tập thể Lãnh đạo Cục xem xét và có văn bản trả lời liên đoàn thể thao quốc gia về việc cử công chức, viên chức tham gia ứng cử Ban chấp hành các liên đoàn thể thao quốc gia để Đại hội xem xét và bầu.
1.3. Về quản lý công chức, viên chức khi tham gia các Liên đoàn thể thao quốc gia
- Công chức, viên chức khi tham gia liên đoàn thể thao quốc gia phải chấp hành theo Điều lệ liên đoàn thể thao quốc gia và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động. Đồng thời, các công chức, viên chức vẫn phải chấp hành các nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, hàng năm thực hiện báo cáo nhận xét, đánh giá cuối năm tại đơn vị.
- Khi tiếp nhận ý kiến, đánh giá từ phía liên đoàn thể thao quốc gia đối với công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác phối hợp để xảy ra vi phạm hoặc gây mất đoàn kết, Cục TDTT chấn chỉnh, nhắc nhở hoặc không cử tham gia ứng cử Ban chấp hành nhiệm kỳ mới.
- Tuy nhiên, hiện nay Cục TDTT chưa có quy định cụ thể về việc theo dõi, đánh giá quá trình công chức, viên chức tham gia hoạt động tại các liên đoàn thể thao quốc gia.
2. Về kiểm tra, đôn đốc chế độ thông tin, báo cáo
2.1. Về công tác kiểm tra
- Từ năm 2021-2023, Cục TDTT tham gia cùng Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra tại 05 liên đoàn thể thao quốc gia: Năm 2022: Liên đoàn Thể dục, Quỹ đầu tư phát triển tài năng Bóng đá Việt Nam thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam; Năm 2023: Liên đoàn Vật, Liên đoàn Điền kinh và Liên đoàn Vovinam.
Cục TDTT chưa tổ chức đoàn kiểm tra độc lập đối với các liên đoàn thể thao quốc gia.
- Theo báo cáo, Cục TDTT thực hiện nắm bắt thông tin, giám sát hoạt động của liên đoàn thể thao quốc gia thông qua báo cáo công tác năm, các báo cáo của Ban kiểm tra tại Đại hội nhiệm kỳ, qua việc tham dự một số cuộc họp Ban chấp hành, qua các buổi làm việc, giao ban định kỳ hằng năm giữa Cục TDTT và các liên đoàn thể thao quốc gia.
2.2. Về thực hiện chế độ thông tin, báo cáo
Căn cứ các quy định pháp luật liên quan về chế độ thông tin, báo cáo hàng năm, trong các năm 2021-2023 các liên đoàn thể thao quốc gia thực hiện chế độ báo cáo như sau:
- Năm 2021: có 31/35 Liên đoàn thể thao quốc gia gửi báo cáo.
- Năm 2022: có 30/37 Liên đoàn thể thao quốc gia đã thành lập và hoạt động được trên 01 năm gửi báo cáo.
- Năm 2023: có 17/37 Liên đoàn thể thao quốc gia đã thành lập và hoạt động được trên 01 năm gửi báo cáo.
Một số liên đoàn thể thao quốc gia thực hiện việc báo cáo nghiêm túc và đúng hạn (Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Yoga, Liên đoàn Võ thuật tổng hợp).
Cục TDTT đã có văn bản đôn đốc nhắc nhở hoặc trực tiếp nhắc nhở đề nghị các liên đoàn thể thao quốc gia thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
3. Về công tác khen thưởng
Trong kỳ thanh tra, kết quả công tác khen thưởng đối với các liên đoàn thể thao quốc gia như sau:
- Năm 2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng bằng khen cho 05 tập thể và 19 cá nhân.
Đối với khen thưởng cho huấn luyện viên, vận động viên: 01 Huân chương lao động hạng nhì, 01 Huân chương lao động hạng ba; 05 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 270 bằng khen Bộ trưởng VHTTDL.
- Năm 2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng bằng khen cho 02 tập thể và 11 cá nhân.
Đối với khen thưởng cho huấn luyện viên, vận động viên: 02 Huân chương Lao động hạng Nhất, 07 Huân chương Lao động hạng Nhì, 49 Huân chương lao động hạng Ba, 375 bằng khen Thủ tướng Chính phủ, 700 bằng khen Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho các vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích tại Sea Games 31 và các giải thi đấu quốc tế.
- Năm 2023, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3 cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Đối với khen thưởng cho huấn luyện viên, vận động viên: 02 Huân chương lao động hạng nhì, 76 Huân chương lao động hạng ba, 248 bằng khen Thủ tướng Chính phủ và 960 bằng khen Bộ trưởng Bộ VHTTDL.
Công tác khen thưởng đối với các liên đoàn thể thao quốc gia do Cục TDTT là đầu mối trình Bộ. Tuy nhiên, Cục TDTT chưa có văn bản hướng dẫn chung về công tác này, việc khen thưởng đều do các liên đoàn chủ động đề xuất.
III. VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH ĐỂ LIÊN ĐOÀN THỂ THAO QUỐC GIA THAM GIA QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH HOẠT ĐỘNG THỂ THAO
1. Lấy ý kiến các liên đoàn thể thao quốc gia khi xây dựng chiến lược, văn bản pháp luật về thể dục thể thao
Trong giai đoạn 2021-2023, Cục TDTT đã trao đổi, gửi văn bản, tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các liên đoàn thể thao quốc gia khi xây dựng chương trình, đề án, văn bản pháp luật về thể dục thể thao, cụ thể:
- Dự thảo Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020, Báo cáo tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ, báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 và Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, hoàn thiện Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục, thể thao, Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2024-2045, Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển chọn vận động viên, huấn luyện viên theo Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”.
- Thông tư số 01/2023/TT-BVHTTDL ngày 21/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao; Thông tư số 04/2022/TT-BVHTTDL ngày 28/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thông tư quy định tiêu chuẩn mã số chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao; Thông tư số 01/2021/TT-BVHTTDL ngày 03/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định một số biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thể dục, thể thao đối với hội thể thao quốc gia; Thông tư số 05/2021/TT-BVHTTDL ngày 25/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia; Thông tư số 06/2021/TT-BVHTTDL ngày 22/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp các môn thể thao; Thông tư số 07/2021/TT-BVHTTDL ngày 08/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tập huấn chuyên môn thể thao cho người hướng dẫn tập luyện thể thao.
Theo báo cáo, các đề án, chiến lược, quy hoạch, văn bản pháp luật sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phương hướng, kế hoạch công tác hàng năm của Cục TDTT đều được thông báo tới các liên đoàn thể thao quốc gia để phối hợp triển khai thực hiện.
2. Tham gia công tác quản lý tổ chức giải thể thao
Từ năm 2021-2023, Cục TDTT đã phối hợp với các liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức 316 giải quốc gia, quốc tế có sử dụng ngân sách nhà nước và có 185 giải quốc gia, quốc tế không sử dụng ngân sách nhà nước được tổ chức tại Việt Nam, đặc biệt năm 2022 tổ chức thành công SEA Games 31 và Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX.
2.1. Đăng cai, tổ chức các giải thi đấu vô địch, giải thi đấu vô địch trẻ từng môn thể thao cấp khu vực, châu lục, thế giới tổ chức tại Việt Nam
Từ năm 2021-2023 có 29 giải thi đấu thể thao quốc tế tổ chức tại Việt Nam, trong đó có 28 giải không sử dụng ngân sách nhà nước. Quy trình triển khai đáp ứng được yêu cầu theo quy định, cụ thể như sau:
- Cục TDTT phối hợp với liên đoàn thể thao quốc gia thống nhất chủ chương đăng cai tổ chức giải quốc tế từng môn thể thao. Trên cơ sở đó, liên đoàn thực hiện đăng ký với Tổ chức thể thao khu vực, Châu lục và Thế giới về việc đăng cai tổ chức giải, trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.
- Sau khi có kết quả phê duyệt của Bộ VHTTDL, Cục TDTT phối hợp với liên đoàn thể thao quốc gia xây dựng cụ thể kế hoạch, thực hiện tổ chức giải thể thao quốc gia và quốc tế.
2.2. Tổ chức giải thi đấu thể thao quốc gia, quốc tế khác
2.2.1. Đối với các giải thi đấu thể thao có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước
Năm 2021-2023, Cục TDTT đã phối hợp với các địa phương, liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức 315 giải thể thao có sử dụng kinh phí của Nhà nước. Quy trình triển khai đáp ứng được yêu cầu theo quy định, cụ thể như sau:
- Cục TDTT ban hành quyết định tổ chức giải, quyết định thành lập ban tổ chức, ban trọng tài, thống nhất về công tác chuẩn bị tổ chức giải với địa phương đăng cai tổ chức.
- Liên đoàn thể thao quốc gia thực hiện ban hành Điều lệ giải; đề cử danh sách Ban trọng tài để Cục TDTT ra quyết định triệu tập, tiến hành tổ chức điều hành thi đấu đúng luật thi đấu và điều lệ ban hành. Liên đoàn thể thao quốc gia chịu trách nhiệm phân công vị trí nhiệm vụ cho từng trọng tài, giải quyết các khiếu nại liên quan tới chuyên môn. Bên cạnh đó liên đoàn thể thao quốc gia cũng chịu trách nhiệm giám sát công tác chuẩn bị trang thiết bị dụng cụ tập luyện, thi đấu, để các trang thiết bị phục vụ thi đấu đáp ứng đúng các yêu cầu chuyên môn. Trong quản lý, điều hành giải, hầu hết các liên đoàn thể thao quốc gia đã áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm điện tử trong quản lý dữ liệu vận động viên, bốc thăm tự động, điểm danh vận động viên, hệ thống bảng điểm điện tử, sắp lịch đấu, phân công trọng tài hoàn toàn bằng phần mềm tự động.
Kết thúc giải, liên đoàn thể thao quốc gia ký xác nhận kết quả thi đấu, xác nhận xếp hạng vận động viên ở từng nội dung, xác nhận các kỷ lục quốc gia bị phá và các kỷ lục mới được xác lập và hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng giải. Liên đoàn thể thao quốc gia thực hiện thông báo kết quả tổ chức giải cho cơ quan quản lý và các địa phương; lưu trữ hồ sơ tổ chức giải, tiến hành phong cấp và cấp giấy chứng nhận cho vận động viên, huấn luyện viên theo tiêu chuẩn phong cấp của Bộ VHTTDL.
* Qua kiểm tra cho thấy, việc thực hiện quy định của pháp luật để các liên đoàn thể thao quốc gia tham gia vào quản lý, tổ chức giải thể thao còn một số tồn tại như sau:
- Tại khoản 3 Điều 39 Luật Thể dục thể thao quy định “Chủ tịch liên đoàn thể thao quốc gia phê duyệt điều lệ giải thể thao quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 37 của Luật này. Trường hợp chưa thành lập liên đoàn thể thao quốc gia, Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt điều lệ giải thể thao quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 37 của Luật này”. Tuy nhiên, Cục TDTT ban hành điều lệ giải đối với các môn thể thao chưa thành lập liên đoàn thể thao quốc gia, chưa thực hiện trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt điều lệ giải theo quy định tại Điều 39 Luật Thể dục thể thao.
- Cục TDTT chưa thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng các liên đoàn thể thao quốc gia để tổ chức giải thể thao bằng nguồn ngân sách Nhà nước (trừ Liên đoàn Bóng đá) theo quy định của pháp luật về giao nhiệm vụ, đặt hàng thực hiện dịch vụ sự nghiệp công.
2.2.2. Đối với các giải thi đấu thể thao khác không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước
Từ năm 2021-2023 có 160 giải quốc gia, quốc tế không sử dụng ngân sách nhà nước được tổ chức tại Việt Nam. Quy trình triển khai như sau:
- Liên đoàn thể thao quốc gia báo cáo Cục TDTT tổ chức các giải thi đấu quốc gia không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Cục TDTT tổng hợp đưa vào kế hoạch thi đấu quốc gia hàng năm. Sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và đơn vị đăng cai thống nhất phối hợp tổ chức giải sẽ được tổ chức theo kế hoạch.
- Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức, Cục TDTT thực hiện kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện luật thi đấu của môn thể thao, điều lệ giải thể thao, quy chế tổ chức hoạt động thể thao chuyên nghiệp của môn thể thao thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Liên đoàn thể thao quốc gia. Đồng thời, Cục TDTT thường xuyên phối hợp với liên đoàn thể thao quốc gia yêu cầu thực hiện việc phòng chống tiêu cực và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong hoạt động thi đấu thể thao, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các liên đoàn thể thao quốc gia, ngành, địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho các liên đoàn thể thao quốc gia, cổ động viên của môn thể thao tham gia cổ vũ tại các giải thi đấu thể thao.
3. Tham gia thành lập đoàn thể thao quốc gia, đội thể thao quốc gia
Từ 2021-2023, Cục TDTT đã chủ trì, phối hợp với các liên đoàn thể thao quốc gia thành lập 399 Đoàn, Đội thể thao quốc gia (năm 2021: 33, năm 2022: 149, năm 2023: 217) tham dự các giải thi đấu quốc tế. Quy trình triển khai như sau:
- Trên cơ sở đề xuất của Ban huấn luyện đội thể thao quốc gia, Cục TDTT chủ trì, tham khảo ý kiến của liên đoàn thể thao quốc gia trước khi quyết định thành lập đội thể thao, đội thể thao trẻ quốc gia (gọi chung là đội thể thao quốc gia) để tập huấn, tham gia thi đấu quốc tế bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho Cục TDTT.
- Liên đoàn thể thao quốc gia có trách nhiệm đăng ký thi đấu cho đội thể thao quốc gia tham gia thi đấu tại các giải thể thao quốc tế theo quyết định của Cục TDTT.
4. Tham gia quản lý vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao
4.1. Tập huấn, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài
Trong các năm 2021-2023, Cục TDTT đã phối hợp với các liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức tập huấn 8.086 lượt vận động viên; 1.776 lượt huấn luyện viên; 5276 trọng tài (năm 2021: 1054, năm 2022: 2304, năm 2023: 1918).
- Liên đoàn thể thao quốc gia có trách nhiệm lập, quản lý hồ sơ và xác nhận tư cách vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài của môn thể thao theo thẩm quyền, phù hợp với quy định của mình và của tổ chức thể thao quốc tế tương ứng theo các hình thức triển khai số hoá trong công tác quản lý hồ sơ, cấp thẻ bằng phần mềm, cấp thẻ cứng vật lý, có mã định danh riêng cho lực lượng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài đồng thời được đăng ký và được lưu trữ hàng năm trên website.
Khi cần thông tin của vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài của môn thể thao, Cục TDTT yêu cầu liên đoàn thể thao quốc gia cung cấp và xác nhận, tránh tình trạng tranh chấp vận động viên hoặc khiếu nại về nhân sự đối với các giải thi đấu, các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc.
- Qua kiểm tra cho thấy, Cục TDTT chưa lập hồ sơ của vận động viên, huấn luyện viên các đội tuyển thể thao (chỉ có Quyết định triệu tập, tập huấn đội tuyển). Một số liên đoàn thể thao quốc gia chưa lập, quản lý hồ sơ và xác nhận tư cách vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài (Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm; Liên đoàn Bóng rổ; Liên đoàn Billiards & Snooker; Liên đoàn Lân sư rồng).
Liên đoàn Quyền anh thực hiện cấp thẻ vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài từ năm 2024 (cấp thẻ cứng vật lý, có mã định danh).
4.2. Phong đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao
- Cục TDTT chủ trì, phối hợp với liên đoàn thể thao quốc gia xây dựng tiêu chuẩn phong đẳng cấp cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài của từng môn thể thao trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành, đến nay đã ban hành tiêu chuẩn phong cấp cho 39/52 môn thể thao. Trên cơ sở tiêu chuẩn phong cấp được ban hành, trong 3 năm (từ 2021 đến 2023) các liên đoàn thể thao quốc gia đã phong cấp cho 9.746 kiện tướng, 12.100 vận động viên cấp I, 5.233 vận động viên cấp II.
- Công tác phong đẳng cấp vận động viên đảm bảo đúng quy trình, quy định, Cục TDTT rà soát, điều chỉnh tiêu chuẩn phong cấp các môn thể thao phù hợp với thực tế. Liên đoàn thể thao quốc gia căn cứ vào tiêu chuẩn, quyết định, kết quả tại các giải thi đấu trong hệ thống các giải thể thao thành tích cao quốc gia, phong đẳng cấp cho vận động viên của các môn thể thao, báo cáo số lượng về Cục TDTT hàng năm.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, việc thực hiện phong cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao còn một số hạn chế:
- Cục TDTT chưa xây dựng tiêu chuẩn phong đẳng cấp cho huấn luyện viên, trọng tài để trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành.
- Một số liên đoàn thể thao quốc gia chưa phong đẳng cấp vận động viên như: Hiệp hội Câu cá; Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm; Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao.
- Một số liên đoàn thể thao quốc gia xác nhận thành tích, phong đẳng cấp vận động viên muộn làm ảnh hưởng đến quyền lợi và chế độ cho vận động viên, huấn luyện viên như: Liên đoàn Trượt băng và Roller; Thể dục Aerobic; Khiêu vũ thể thao.
5. Việc thực hiện các quy định trong quản lý, phối hợp hoạt động hợp tác quốc tế
- Cục TDTT đã triển khai mở rộng hợp tác quốc tế đối với các tổ chức quốc tế và các quốc gia có vị thế, tiềm lực trong lĩnh vưc thể thao làm cơ sở để các liên đoàn thể thao quốc gia tham gia hoạt động. Năm 2021, Việt Nam xây dựng Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức phòng chống Doping thế giới (WADA); tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế song phương về thể dục thể thao với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN. Năm 2023, Cục TDTT triển khai các hợp tác quốc tế song phương về thể thao với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực ASEAN; tham mưu cho Bộ ký 05 thỏa thuận hợp tác về thể thao với các tổ chức thể thao quốc tế, gồm thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn CJ Hàn Quốc giai đoạn 2023-2024, với Bộ Thanh niên, Thể thao, Du lịch Campuchia, với Bộ Thanh niên, Thể thao Cộng hòa hồi giáo Iran, Biên bản ghi nhớ về chương trình tài trợ cho các vận động viên Việt Nam giành huy chương tại Olympic Paris giữa Ủy ban Olympic Việt Nam và Công ty TNHH Asong Invest.
- Đối với việc liên đoàn thể thao quốc gia tham gia vào tổ chức thể thao quốc tế:
Hiện nay các liên đoàn thể thao quốc gia của Việt Nam là thành viên của 96 liên đoàn thể thao quốc tế (Liên đoàn Đông Nam Á: 25 thành viên, Liên đoàn Châu Á: 35 thành viên, Liên đoàn Thế giới: 36 thành viên)
Quy trình Cục TDTT đã triển khai gồm: Thông báo, hướng dẫn đầy đủ nội dung cho liên đoàn thể thao quốc gia, tạo điều kiện để liên đoàn thể thao quốc gia tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về thể dục, thể thao; có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc liên đoàn thể thao quốc gia gia nhập vào tổ chức thể thao quốc tế khi liên đoàn thể thao quốc gia hoặc cơ quan có thẩm quyền đề nghị; quyết định cho phép cử người thuộc thẩm quyền quản lý của Cục TDTT là thành viên của liên đoàn thể thao quốc gia tham gia ứng cử ở các tổ chức thể thao quốc tế theo đề nghị của liên đoàn thể thao quốc gia
6. Việc tập huấn người hướng dẫn tập luyện thể thao
Giai đoạn 2021-2023, Cục TDTT đã chủ trì hoặc phối hợp với các liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức 41 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ thể dục, thể thao cho trên 5.800 cán bộ, cộng tác viên, hướng dẫn viên thể dục, thể thao cơ sở; 47 lớp tập huấn cho huấn luyện viên, trọng tài thể thao quốc gia.
Liên đoàn thể thao quốc gia thực hiện việc tập huấn theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 07/2021/TT-BVHTTDL ngày 08/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tập huấn chuyên môn thể thao đối với người hướng dẫn tập luyện thể thao. Các lớp học có Kế hoạch tổ chức; Bản đăng ký tham gia lớp học của học viên; Danh sách, thông tin học viên; bài thi và bảng điểm khoá đào tạo.
Quá trình tổ chức lớp học, liên đoàn thể thao quốc gia có tài liệu tập huấn cho học viên, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tập huấn chuyên môn, bảo đảm giảng viên đáp ứng yêu cầu trình độ chuyên môn theo quy định, kết thúc khoá học kiểm tra, đánh giá trình độ của học viên, tổng hợp kết quả tập huấn và công nhận kết quả tập huấn của học viên.
Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra, Cục TDTT chưa xây dựng chương trình tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện thể thao trình Bộ VHTTDL ban hành theo quy định tại Thông tư số 07/2021/TT-BVHTTDL. Các quy định về chương trình tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện thể thao vẫn được triển khai theo Quyết định cũ ban hành trước năm 2018.
C. KẾT LUẬN VỀ NHỮNG NỘI DUNG ĐÃ TIẾN HÀNH THANH TRA
I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Cục TDTT đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong quản lý nhà nước, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, chiến lược phát triển và hệ thống các văn bản pháp luật để quản lý nhà nước đối với các liên đoàn thể thao quốc gia.
2. Cục TDTT đã từng bước huy động nguồn lực từ phía các liên đoàn thể thao quốc gia, tạo điều kiện để liên đoàn tham gia quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, nhất là trong việc tham gia thành lập Đoàn thể thao quốc gia, đội thể thao quốc gia, trong quản lý và tổ chức các giải thi đấu thể thao thành tích cao, trong tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện vận động viên. Việc thực hiện chủ trương phát triển mạng lưới các liên đoàn thể thao quốc gia đạt được một số kết quả rõ rệt, thể hiện qua số lượng các liên đoàn thể thao quốc gia được thành lập.
3. Cục TDTT đã cử số lượng lớn nhân sự của cơ quan nhà nước tham gia các liên đoàn thể thao quốc gia nhằm hỗ trợ chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo, tăng cường vai trò lãnh đạo đối với hoạt động chuyên môn của liên đoàn thể thao quốc gia, đặc biệt với một số liên đoàn thể thao quốc gia có ảnh hưởng xã hội lớn (Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Bóng chuyền…).
4. Cục TDTT đã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chuyên môn của các liên đoàn thể thao quốc gia thông qua việc tổ chức các cuộc họp giao ban với các liên đoàn thể thao quốc gia, tham gia các đoàn kiểm tra hoạt động của liên đoàn thể thao quốc gia do Bộ Nội vụ chủ trì, tập huấn chuyên môn hướng dẫn các liên đoàn thể thao quốc gia hoạt động, nắm tình hình để kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc thông qua đội ngũ công chức, viên chức chuyên môn là thành viên của các liên đoàn thể thao quốc gia.
5. Cục TDTT đã thực hiện công tác khen thưởng đối với các liên đoàn thể thao quốc gia (gồm cả tập thể và cá nhân), hướng dẫn tạo điều kiện để liên đoàn tham gia, hoàn thành nhiệm vụ tại các tổ chức thể thao quốc tế.
II. HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM CỦA CỤC TDTT TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TDTT ĐỐI VỚI CÁC LIÊN ĐOÀN THỂ THAO QUỐC GIA
1. Chưa tham mưu kịp thời để trình cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản quan trọng trong quản lý nhà nước đối với liên đoàn thể thao quốc gia. Cụ thể là Quy chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể dục thể thao, Đề án chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể dục thể thao, Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
2. Chưa đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật về trách nhiệm quản lý nhà nước về thể dục thể thao đối với các liên đoàn thể thao quốc gia, về cơ chế chính sách để các liên đoàn thể thao quốc gia tham gia quản lý, điều hành hoạt động thể dục thể thao.
3. Chưa tiến hành việc đánh giá riêng về kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức khi tham gia hoạt động tại các liên đoàn thể thao quốc gia.
4. Thực hiện việc lấy ý kiến các liên đoàn thể thao quốc gia trước khi quyết định thành lập đội thể thao quốc gia để tham gia tập huấn, thi đấu quốc tế còn hình thức, nhiều trường hợp không thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản, không đưa vào quy trình bắt buộc khi quyết định thành lập đội thể thao quốc gia.
5. Chưa thực hiện việc giao nhiệm vụ, đặt hàng để liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức các giải vô địch quốc gia, vô địch trẻ quốc gia bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.
6. Chưa tham mưu ban hành tiêu chuẩn phong đẳng cấp đối với huấn luyện viên, trọng tài thể thao để các liên đoàn thể thao quốc gia công nhận phong cấp theo quy định tại Điều 42 của Luật Thể dục, thể thao; chưa xây dựng chương trình tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện từng môn thể thao và yêu cầu về trình độ của giảng viên để các liên đoàn thể thao quốc gia triển khai thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 07/2021/TT-BVHTTDL ngày 8/9/2021.
7. Chưa thực hiện kiểm tra độc lập về việc tổ chức hoạt động thể dục thể thao của các liên đoàn thể thao quốc gia; chưa xử lý, chấn chỉnh những liên đoàn không thực hiện đúng chế độ báo cáo, thông tin theo quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BVHTTDL ngày 03/2/2021.
8. Chưa có hướng dẫn chung về công tác khen thưởng đối với các liên đoàn thể thao quốc gia.
III. NGUYÊN NHÂN
1. Việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát huy vai trò của liên đoàn thể thao quốc gia trong quản lý, điều hành hoạt động thể dục thể thao còn chậm và lúng túng.
2. Nhận thức, tư duy trong quản lý nhà nước nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các liên đoàn thể thao quốc gia chưa đầy đủ, cơ quan quản lý nhà nước vẫn “làm thay” nhiều nhiệm vụ làm hạn chế tính chủ động, sáng tạo của các liên đoàn thể thao quốc gia.
3. Việc xây dựng và thực hiện một số quy định trong quản lý nhà nước đối với các liên đoàn thể thao quốc gia còn chưa đồng bộ, chậm điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
4. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý nhà nước tại Cục TDTT chưa đáp ứng được yêu cầu, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau.
5. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động quản lý nhà nước đối với liên đoàn thể thao quốc gia còn hạn chế (kinh phí xây dựng chính sách, tập huấn chuyên môn, kiểm tra hoạt động…).
D. KIẾN NGHỊ BIỆN PHÁP XỬ LÝ
Từ những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra, Thanh tra Bộ VHTTDL kiến nghị một số biện pháp xử lý như sau:
I. CHẤN CHỈNH VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ
Thanh tra Bộ kiến nghị Bộ trưởng chỉ đạo Cục TDTT có kế hoạch triển khai ngay một số nhiệm vụ sau đây:
1. Tập trung nguồn lực tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản sau đây:
- Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
- Thông tư ban hành tiêu chuẩn phong đẳng cấp đối với huấn luyên viên, trọng tài thể thao.
- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Thông tư số 01/2021/TT-BVHTTDL về biện pháp quản lý nhà nước đối với Hội thể thao quốc gia, đảm bảo phù hợp với tình hình hiện nay.
- Đề án tạo chuyển giao hoạt động tác nghiệp cho liên đoàn thể thao quốc gia tham gia thực hiện.
- Quy chế phối hợp giữa Cục TDTT với các liên đoàn thể thao quốc gia.
- Chương trình tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện từng môn thể thao.
2. Lựa chọn một số liên đoàn thể thao quốc gia có đủ năng lực, điều kiện để thực hiện thí điểm đặt hàng tổ chức các giải vô địch quốc gia, vô địch trẻ quốc gia bằng nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật trong năm 2025, trên cơ sở đó có đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong các năm tiếp theo.
3. Thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức thuộc Cục TDTT trong hoạt động tại các liên đoàn thể thao quốc gia với tư cách là thành viên của liên đoàn thể thao quốc gia, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị liên đoàn thể thao quốc gia xử lý theo quy định của Điều lệ Liên đoàn đã được Bộ Nội vụ phê duyệt; thực hiện biệt phái công chức, viên chức làm việc tại
một số liên đoàn còn yếu về chuyên môn hoặc cần tăng cường sự lãnh đạo về công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả thực chất việc lấy ý kiến các liên đoàn thể thao quốc gia trong quá trình tuyển chọn, đào tạo, tập huấn vận động viên, thành lập đội tuyển thể thao quốc gia theo hướng phải có ý kiến bằng văn bản của liên đoàn trước khi quyết định theo quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BVHTTDL ngày 03/2/2021; hướng dẫn quy trình nội bộ của các Liên đoàn khi tham gia ý kiến bảo đảm khách quan, minh bạch.
5. Xử lý trách nhiệm đối với các liên đoàn thể thao quốc gia vi phạm quy định về chế độ thông tin báo cáo nói riêng và các quy định về trách nhiệm nói chung tại Thông tư số 01/2021/TT-BVHTTDL ngày 03/2/2021.
6. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động chuyên môn của liên đoàn thể thao quốc gia, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, tập trung vào các nội dung sau:
- Công tác tổ chức giải thi đấu thể thao.
- Ban hành quy chế thể thao chuyên nghiệp đối với các môn có đủ điều kiện như (Quyền anh, Bóng rổ, Bóng chuyền…).
- Thực hiện việc phong cấp vận động viên, tập huấn người hướng dẫn chuyên môn thể thao để tham gia hoạt động tại các cơ sở kinh doanh thể thao.
- Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chuyên môn.
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vận động viên, huấn luyện viên là hội viên của liên đoàn thể thao quốc gia.
7. Có hướng dẫn chung về công tác khen thưởng và thực hiện tổ chức giao ban định kỳ hằng năm đối với các liên đoàn thể thao quốc gia.
II. XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM
Cục TDTT tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý phù hợp đối với các tổ chức và cá nhân thuộc Cục trong việc tham mưu thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước theo phân cấp của Bộ để xảy ra các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong Kết luận thanh tra, báo cáo Lãnh đạo Bộ trước ngày 30/9/2024.
THTCD