KẾT LUẬN THANH TRA TẠI NHÀ HÁT CẢI LƯƠNG VIỆT NAM

19/07/2022  / 1679 lượt xem

Ngày 09/5/2022, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kết luận thanh tra số 11/KL-TTr kết luận việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lí tài chính và quản lí, sử dụng tài sản công; trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong 3 năm 2019, 2020, 2021 tại Nhà hát Cải lương Việt Nam (Nhà hát). Chánh Thanh tra Bộ kết luận như sau:

I. NHỮNG MẶT ĐÃ LÀM ĐƯỢC

1. Về công tác quản lí tài chính và quản lí, sử dụng tài sản công

- Nhà hát thực hiện lập dự toán theo thời gian quy định trên cơ sở thuyết minh tình hình thực hiện và ước thực hiện của các năm trước.

- Nhà hát đã xây dựng được Quy chế Chi tiêu nội bộ làm căn cứ chi cho các hoạt động của Nhà hát.

- Đối với nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp: Nhà hát đã thực hiện quản lí và sử dụng các nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp đảm bảo các hoạt động thường xuyên và không thường xuyên trên cơ sở dự toán đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Nhìn chung, Nhà hát đã chấp hành Luật Ngân sách và thực hiện các khoản chi theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ tài chính hiện hành.

- Đối với nguồn thu sự nghiệp, dịch vụ: Về cơ bản, Nhà hát đã phản ánh trong hệ thống sổ sách kế toán, tính và kê khai nộp thuế; phần chênh lệch thu lớn hơn chi được trích lập các quỹ, chi thu nhập tăng thêm, chế độ phúc lợi cho công chức, viên chức và người lao động.

- Về công tác quản lí, sử dụng tài sản công: Nhà hát đã xây dựng Quy chế Quản lí, sử dụng tài sản công; đã mở sổ theo dõi chi tiết tài sản cố định, lập báo cáo theo biểu mẫu, phản ánh theo dõi ghi tăng các loại tài sản cố định, cuối năm đã lập bảng tính hao mòn tài sản cố định.

- Việc thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán: Về cơ bản, Nhà hát đã chấp hành các quy định của Luật Kế toán; Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán và Thông tư số  107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Báo cáo tài chính của đơn vị được lập theo biểu mẫu và thực hiện công tác khóa sổ cuối năm theo quy định. Chứng từ kế toán được lập đầy đủ, phân loại và lưu trữ theo quy định.

2. Về trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về PCTN

- Nhà hát đã thực hiện xây dựng kế hoạch PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm; đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt một số quy định pháp luật và các kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về PCTN đến viên chức, người lao động của Nhà hát.

- Nhà hát đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của đơn vị; xây dựng và thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; phổ biến và triển khai Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ VHTTDL; xây dựng và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ cao (93%).

- Nhà hát đã thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo hằng quý, 6 tháng, năm theo quy định.

- Đến thời điểm thanh tra, Nhà hát chưa phát hiện hành vi tham nhũng tại đơn vị.

II. NHỮNG TỒN TẠI

1. Công tác quản lí tài chính và quản lí, sử dụng tài sản công

1.1. Về Quy chế Chi tiêu nội bộ

Quy chế Chi tiêu nội bộ chưa quy định cụ thể nguồn chi đối với các khoản chi: tiền khoán điện thoại di động; khoán công tác phí cho một số cá nhân; quy định khoán công tác phí cho một số đối tượng và chi cho đại biểu tham dự hội nghị là chưa đúng theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị.

Quy chế Chi tiêu nội bộ chưa quy định cụ thể một số khoản chi như: mức chi hoa hồng cho các cá nhân kí được hợp đồng biểu diễn dịch vụ; mức chi cụ thể đối với hoạt động biểu diễn dịch vụ mà quy định khoán chi để các đoàn nghệ thuật tự quyết định việc chi trả thù lao và các chi phí trực tiếp khác phục vụ buổi biểu diễn và nộp về Nhà hát. Đây cũng là một phần nguyên nhân của việc thu, chi chưa minh bạch gây nên dư luận trong người lao động và xuất hiện đơn thư tại đơn vị trong thời gian vừa qua.

1.2. Về các khoản thu

Việc trông xe máy tại sân Nhà hát chưa phản ánh đầy đủ doanh thu, chỉ phản ánh mức khoán do tổ bảo vệ nộp là chưa đúng theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính.

1.3. Về các khoản chi

- Việc Nhà hát sử dụng quỹ tiền lương để thực hiện chi lương, phụ cấp lương và các khoản theo lương cho một số hợp đồng lao động (10 hợp đồng) là chưa đúng theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 25/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

- Việc Nhà hát cho phép các đoàn nghệ thuật tự quyết định việc chi trả thù lao, các chi phí trực tiếp khác phục vụ các buổi biểu diễn và chỉ nộp về Nhà hát một phần là chưa đúng nguyên tắc quản lí tài chính.

- Việc chi khoán công tác phí khoán hằng tháng cho một số trường hợp là chưa đúng đối tượng theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

1.4. Về chứng từ kế toán

Một số chứng từ kế toán chưa đảm bảo theo quy định tại Điều 16 Luật Kế toán.

1.5. Về công tác quản lí, sử dụng tài sản công

Công tác quản lí, sử dụng tài sản công còn một số tồn tại, bất cập:

 - Quy chế Quản lí và sử dụng tài sản công chưa quy định cụ thể về việc quản lí, sử dụng xe ô tô. Thực tế việc quản lí, sử dụng xe ô tô chưa chặt chẽ, đối với các xe do 2 đoàn quản lí khi sử dụng không có lệnh điều xe được lãnh đạo phê duyệt.

- Đối với việc trông xe máy, Nhà hát chưa có sự quản lí chặt chẽ, không nắm được số lượng xe, giá dịch vụ, không có hợp đồng với các cá nhân.

- Kho để phục trang nằm dưới tầng trệt có diện tích nhỏ, ẩm thấp; trang phục sau khi biểu diễn chưa được vệ sinh ngay; đạo cụ, phông cảnh để ngoài trời dẫn đến tình trạng xuống cấp, hỏng không sử dụng được. Phục trang chưa được phân loại theo từng loại vai nên đối với những trang phục quần chúng, lính,… vẫn thực hiện mua sắm theo từng vở gây lãng phí.

2. Về trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về PCTN

- Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN còn chưa thường xuyên, chưa phong phú về nội dung và hình thức tuyên truyền.

- Công tác công khai tài chính còn chưa đúng với quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

- Trong công tác quản lí, sử dụng tài sản công còn lãng phí, chưa tiết kiệm.

- Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lí còn chưa được chú trọng.

- Việc xử lí, giải quyết đơn tại Nhà hát chưa đảm bảo theo các quy định pháp luật về xử lí, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Việc Ban thanh tra nhân dân tự ý ban hành kết luận về những nội dung được giao xác minh là không đúng thẩm quyền, nội dung kết luận không có cơ sở. Việc đăng tải bản kết luận trên mạng xã hội Facebook gây dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà hát.

- Chưa thực hiện đầy đủ các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong việc sửa đổi Quy chế Chi tiêu nội bộ.

- Một số bản kê khai tài sản, thu nhập chưa kê khai đầy đủ về nhà ở và tổng thu nhập.

- Nội dung báo cáo định kì còn sơ sài, chưa đầy đủ các phụ lục theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10/6/2013 và Thông tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN.

III. KIẾN NGHỊ BIỆN PHÁP XỬ LÍ

Thanh tra Bộ kiến nghị Bộ trưởng chỉ đạo:

1. Đối với Nhà hát Cải lương Việt Nam

Việc để xảy ra những tồn tại, thiếu sót nêu trên, trách nhiệm trước hết thuộc về đồng chí Giám đốc Nhà hát và tập thể Lãnh đạo Nhà hát giai đoạn từ năm 2019-2021, trách nhiệm của các bộ phận tham mưu như Kế toán, Phòng Hành chính, Tổng hợp chưa tham mưu kịp thời cho Lãnh đạo Nhà hát. Mặc dù trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, thiếu sót nêu trên chưa đến mức phải xem xét kỷ luật, tuy nhiên, tập thể Lãnh đạo Nhà hát cần phải tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh công tác quản lí như sau:

1. Về công tác quản lí tài chính và quản lí, sử dụng tài sản công

- Khẩn trương tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy chế Chi tiêu nội bộ theo quy định của Nhà nước, phù hợp với đặc điểm của đơn vị, đảm bảo thuận lợi cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, đúng nội dung chi, đối tượng chi, nguồn chi theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, bảo đảm quyền lợi của công chức, viên chức và người lao động tại Nhà hát.

- Thực hiện hạch toán đầy đủ các nguồn thu vào sổ sách kế toán theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính.

- Chấm dứt việc sử dụng quỹ tiền lương để thực hiện chi lương, phụ cấp lương và các khoản theo lương cho hợp đồng lao động; chi công tác phí khoán hằng tháng đối với một số đối tượng không đúng quy định; việc khoán chi đối với hoạt động biểu diễn dịch vụ.

- Có biện pháp bảo quản, sử dụng trang phục, đạo cụ phù hợp nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ (Công văn số 2200/BVHTTDL-KHTC ngày 11/6/2019; Công văn số 791/BVHTTDL-KHTC ngày 26/02/2020; Công văn số 487/BVHTTDL-KHTC ngày 08/02/2021). Rà soát, cập nhật, bổ sung Quy chế Quản lí, sử dụng tài sản công theo đúng nội dung quy định tại Điều 7 Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lí, sử dụng tài sản công.

2. Về trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về PCTN

- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc tuyên truyền, phổ biến phải đa dạng và phong phú về nội dung và hình thức, chú ý lồng ghép vào hoạt động biểu diễn nghệ thuật để việc tuyên truyền được sâu rộng đến quần chúng, nhân dân.

- Thực hiện công khai tài chính theo đúng quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017.

- Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động quản lí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị.- Nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác xử lí, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Khi phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, thực hiện xử lí, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

- Thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2020.

- Thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn kiểm soát tài sản, thu nhập.

- Tiếp tục thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo định kì về công tác PCTN của đơn vị (hằng quý, 6 tháng, 9 tháng, hằng năm), đảm bảo nội dung theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021 của Thanh tra Chính phủ.

2. Đối với Vụ Kế hoạch, Tài chính

- Tăng cường công tác kiểm tra, phê duyệt quyết toán đối với Nhà hát; hướng dẫn đơn vị trong việc sửa đổi, bổ sung Quy chế Chi tiêu nội bộ đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lí, sử dụng tài sản công của đơn vị, việc sử dụng cho thuê kiot, việc quản lí, sử dụng xe ô tô đảm bảo đúng quy định về quản lí, sử dụng tài sản công.