Xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo

22/07/2020  / 220 lượt xem

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, thay thế cho nội dung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo được quy định tại 02 Nghị định: Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (Nghị định số 158/2013/NĐ-CP) và Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (Nghị định số 28/2017/NĐ-CP).

1. Sự cần thiết ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo

Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (Nghị định số 158/2013/NĐ-CP) và Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (Nghị định số 28/2017/NĐ-CP) được ban hành đã giúp cho công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo được tăng cường và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại, 02 Nghị định trên vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch và Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao. Đây là hai lĩnh vực được tách ra từ Nghị định số 158/2013/NĐ-CP. Như vậy, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP chỉ còn quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Hơn nữa, Nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung một lần bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP. Do vậy, việc thực thi Nghị định trên trong thực tế cũng gặp không ít khó khăn do các quy định về xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính còn nằm rải rác tại 02 Nghị định; quá trình lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt của cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn do việc dẫn chiếu hành vi quy định tại 02 Nghị định. Mặt khác, tổ chức bị xử phạt chưa được quy định cụ thể theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Thứ hai, một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cần có sự bổ sung, điều chỉnh các hành vi mới để có chế tài áp dụng khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Dược, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Thú y, Luật Thư viện, một số nghị định của Chính phủ như: Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 về hoạt động mỹ thuật, Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về hoạt động nhiếp ảnh, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định quản lý và tổ chức lễ hội, Nghị định số 126/2018/NĐ-CP ngày 20/9/2018 quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26/02/2019 về hoạt động triển lãm, Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường và một số văn bản mới ban hành trong lĩnh vực y tế có liên quan đến hoạt động quảng cáo… Đồng thời, một số hành vi không còn phù hợp cần được bãi bỏ do quy định nội dung đã thay đổi như sản xuất phim không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, số người được phép phục vụ trong phòng karaoke...

Thứ ba, một số hành vi vi phạm quy định chưa rõ ràng, khó áp dụng trong thực tế hoặc còn bỏ lọt hành vi vi phạm hành chính do chưa có chế tài để áp dụng như thành lập văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh; quy định về tỷ lệ chiếu phim Việt Nam, thời gian chiếu phim cho trẻ em tại rạp, chiếu phim đã được phân loại, phim có sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá tại rạp... 

Thứ tư, một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền chưa tương xứng dẫn đến tình trạng chủ thể hành vi sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm vì lợi nhuận mang lại nhiều hơn số tiền bị xử phạt như hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; hành vi quảng cáo những mặt hàng mà pháp luật cấm quảng cáo; hành vi vi phạm quy định cấm trong lĩnh vực di sản văn hóa, quảng cáo…

Thứ năm, một số hành vi đã được quy định tại các nghị định xử phạt trong lĩnh vực khác, tuy nhiên, thanh tra chuyên ngành văn hóa không có thẩm quyền xử phạt dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước của ngành chưa cao, do đó cần phải được quy định tại dự thảo Nghị định này nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước của ngành văn hóa, thể thao và du lịch như các hành vi quy định về độ ồn, hành vi quy định về đổi tiền lẻ, các hành vi về điều kiện kinh doanh…

Thứ sáu, bãi bỏ một số văn bản đã hết hiệu lực trong thực tế song trên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn được liệt kê đang còn hiệu lực do chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, cụ thể Nghị định số 88/CP của Chính phủ ngày 14/12/1995 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và phòng chống tệ nạn xã hội và Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa - thông tin.

Để khắc phục kịp thời những khó khăn, bất cập trên đây, việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo là cần thiết nhằm góp phần tăng cường hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về văn hóa, quảng cáo nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, đồng thời bảo đảm phù hợp với sự phát triển khách quan của thực tiễn.

2. Về nội dung dự thảo Nghị định

Dự thảo Nghị định được chia thành 5 chương với 82 điều bao gồm các quy định chung, các hành vi vi phạm hành chính về văn hóa và quảng cáo, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

2.1. “Chương I. Những quy định chung” từ Điều 1 đến Điều 5 quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, hình thức xử phạt, biện pháp khác phục hậu quả, nguyên tắc áp dụng các hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân và nguyên tắc xử phạt của các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực văn văn hóa, quảng cáo.

2.2. “Chương II. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực văn hoá” từ Điều 6 đến Điều 38.

Chương này quy định 7 mục cho các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả của từng lĩnh vực văn hoá. Cụ thể:

- Mục 1 từ Điều 6 đến Điều 10: Quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực điện ảnh. Cụ thể: quy định các hành vi vi phạm trong sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim, nhân bản, tàng trữ phim, lưu chiểu, lưu trữ phim, thành lập văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam và văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài;

- Mục 2 từ Điều 11 đến Điều 16: Quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Cụ thể: quy định các hành vi vi phạm trong sản xuất, lưu hành, phổ biến, lưu chiểu, dán nhãn kiểm soát bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; các hành vi vi phạm về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu. 

- Mục 3 từ Điều 17 đến Điều 19: Quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực tổ chức lễ hội, kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, ngày kỉ niệm, ngày truyền thống và ngày hưởng ứng, hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng. Cụ thể: quy định các hành vi vi phạm về tổ chức lễ hội, nếp sống văn hoá (xử phạt các hành vi lợi dụng các hoạt động tín ngưỡng để trục lợi, hành vi về nếp sống văn hoá gây ảnh hưởng đến phong tục tập quán, sức khoẻ con người), điều kiện kinh doanh, các điều cấm trong kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; độ ồn; đổi tiền.

Karaoke, vũ trường là ngành nghề hạn chế kinh doanh và các quy định chung về hành vi vi phạm các quy định về ngành nghề hạn chế kinh doanh đã được quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về thương mại. Tuy nhiên, do đặc thù riêng của ngành nghề kinh doanh karaoke, vũ trường nên tại dự thảo Nghị định vẫn quy định các hành vi cụ thể và cần phải áp dụng một mức xử phạt cao hơn nhằm đảm bảo tính răn đe trong việc thực hiện pháp luật.

Hành vi đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội cần được xử lý nghiêm minh bảo đảm tính răn đe nhằm góp phần giữ gìn an ninh trật tự, mỹ quan nơi tổ chức hoạt động lễ hội, đồng thời bảo đảm việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội tại Việt Nam.

- Mục 4 từ Điều 20 đến Điều 22: Quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực  mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. Cụ thể: quy định các hành vi vi phạm về giấy phép, đăng ký hoạt động triển lãm mỹ thuật và các cuộc thi hoặc liên hoan ảnh; các hành vi vi phạm về quy định cấm trong hoạt động mỹ thuật, triển lãm văn hoá, nghệ thuật và nhiếp ảnh.

- Mục 5 từ Điều 23 đến Điều 28: Quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực di sản văn hoá, công trình văn hoá, nghệ thuật. Cụ thể: quy định các hành vi vi phạm bảo vệ công trình văn hoá, nghệ thuật, di sản văn hoá; khai quật khảo cổ; tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; phát hiện, khai báo và giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

- Mục 6 từ Điều 29 đến Điều 33: Quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thư viện. Cụ thể: các hành vi vi phạm quy định cấm trong lĩnh vực thư viện; thành lập và hoạt động của thư viện; trách nhiệm của thư viện; nghĩa vụ của người làm công tác thư viện và nghĩa vụ của người sử dụng thư viện.

- Mục 7 từ Điều 34 đến Điều 38: Quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong các lĩnh vực khác của văn hóa. Bao gồm: công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài; thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam; phương tiện vui chơi giải trí dưới nước; kinh doanh trò chơi điện tử và hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch đối với người khuyết tật, người cao tuổi.

2.3. “Chương III. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quảng cáo” từ Điều 39 đến Điều 70 bao gồm 4 mục: hành vi vi phạm về các quy định chung; hành vi vi phạm về quảng cáo trên các phương tiện báo chí, trang thông tin điện tử, các thiết bị đầu cuối; hành vi vi phạm về quảng cáo trên băng rôn, bảng biển và các phương tiện khác; hành vi vi phạm về quảng cáo sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ đặc biệt.

Các hành vi trong Chương này là hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực quảng cáo nhưng lại là đối tượng quản lý của nhiều Bộ (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Vì vậy, ngoài việc bám sát các quy định của Luật Quảng cáo còn phải dựa trên những quy định của các Luật chuyên ngành.

Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm về quy định quảng cáo đối với rượu, bia từ 5,5 độ trở lên, quy định về quảng cáo thuốc, quy định về quảng cáo trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, quảng cáo trên thiết bị đầu cuối, quảng cáo trong phim, bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả như loại bỏ các yếu tố sai phạm trên sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, cắt số điện thoại quảng cáo…

2.4. “Chương IV. Quy định thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo” từ Điều 71 đến Điều 79 quy định về thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan thanh tra chuyên ngành, Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan, cơ quan Thuế, Quản lý thị trường; việc phân định thẩm quyền đến từng chức danh trong một lực lượng xử phạt nhằm bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính được chính xác và hiệu quả.

2.5. “Chương V. Điều khoản thi hành” từ Điều 80 đến Điều 82 quy định điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành của Nghị định và trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định.

Hiện nay, dự thảo Nghị định đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để lấy ý kiến của nhân dân; đồng thời đã được gửi lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.