Quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

15/10/2020  / 223 lượt xem

Ngày 18 tháng 9 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định đã có sự kế thừa các quy định của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, nội dung liên quan đến xử lý kỷ luật viên chức được quy định tại Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, Chương 6 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 về công chức xã, phường, thị trấn, nội dung liên quan đến xử lý kỷ luật cán bộ được quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định.

Nghị định đã bổ sung đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; bổ sung một trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật, đó là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.

Nghị định cũng bổ sung quy định về thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Theo đó, người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật thì sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật: xóa tư cách chức vụ, chức danh; khiển trách hoặc cảnh cáo. Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được xác định như sau: Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật; trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định xử lý kỷ luật. Trường hợp người đã nghỉ việc, nghỉ hưu giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật.

So với các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trước đây, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi vi phạm và hình thức kỷ luật, quy định cụ thể các hành vi bị xử lý kỷ luật, xác định mức độ của hành vi vi phạm (vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng); việc áp dụng hình thức kỷ luật cụ thể thực hiện theo mức độ của hành vi vi phạm, vi phạm lần đầu hay tái phạm.

Đối với việc xử lý kỷ luật công chức và viên chức, Nghị định quy định trình tự, thủ tục gồm các bước: (1) Tổ chức họp kiểm điểm, (2) Thành lập Hội đồng kỷ luật và (3) Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

Quyết định kỷ luật công chức, viên chức hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Trong thời gian này, nếu công chức, viên chức không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực. Trường hợp công chức, viên chức tiếp tục có hành vi vi phạm trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị định. Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ công chức, viên chức. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của công chức, viên chức.

Nghị định số 112/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 9 năm 2020.