QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT THANH TRA

12/07/2023  / 43 lượt xem

Ngày 30/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.

Nghị định quy định chi tiết một số điều, khoản sau của Luật Thanh tra: Điều 38 về Thanh tra viên; Điều 56 về thanh tra lại; Điều 60 về Đoàn thanh tra; Điều 79 về công khai kết luận thanh tra; Điều 87 về trưng cầu giám định; Điều 90 về yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; Điều 91 về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra; khoản 4 Điều 96 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra và kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra; Điều 105 về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; khoản 3 Điều 106 về xử lí vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra; các biện pháp thi hành Luật Thanh tra, bao gồm: thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thanh tra viên; trang phục, thẻ thanh tra; chế độ, chính sách, phụ cấp và chế độ đặc thù đối với Thanh tra viên; tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ.

Về xét nâng ngạch Thanh tra viên

Thanh tra viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điều 39, 40 và 41 của Luật Thanh tra thì được xét nâng ngạch trong các trường hợp sau đây:

(1) Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;

(2) Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

Yêu cầu về thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ quy định cụ thể như sau:

(1) Đối với nâng ngạch từ ngạch Thanh tra viên lên ngạch Thanh tra viên chính: được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;

(2) Đối với nâng ngạch từ ngạch Thanh tra viên chính lên ngạch Thanh tra viên cao cấp: được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Về điều kiện dự thi nâng ngạch Thanh tra viên

(1) Yêu cầu đối với Thanh tra viên dự thi nâng ngạch lên Thanh tra viên chính: (a) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lí kỉ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỉ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; (b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ; (c) Có thời gian công tác ở ngạch Thanh tra viên và tương đương tối thiểu từ 09 năm trở lên, trừ trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác và đang giữ ngạch công chức, viên chức, cấp hàm tương đương ngạch Thanh tra viên chính chuyển sang cơ quan thanh tra. Trường hợp có thời gian tương đương với ngạch Thanh tra viên thì thời gian giữ ngạch Thanh tra viên tối thiểu là 01 năm (đủ 12 tháng); (d) Trong thời gian giữ ngạch Thanh tra viên và tương đương đã tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên mà cơ quan sử dụng, quản lí Thanh tra viên được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu; (đ) Có bằng đại học trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên chính; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lí nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính hoặc có bằng cao cấp lí luận chính trị - hành chính; (e) Có kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

(2) Yêu cầu đối với Thanh tra viên chính dự thi nâng ngạch lên Thanh tra viên cao cấp: (a) Đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 9; (b) Có thời gian công tác ở ngạch Thanh tra viên chính và tương đương tối thiểu là 06 năm, trừ trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác và đang giữ ngạch công chức, viên chức, cấp hàm tương đương ngạch Thanh tra viên cao cấp chuyển sang cơ quan thanh tra; (c) Trong thời gian giữ ngạch Thanh tra viên chính và tương đương đã chủ trì xây dựng, thẩm định ít nhất 02 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, ngành hoặc cấp tỉnh mà cơ quan sử dụng Thanh tra viên chính được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu; (d) Có bằng đại học trở lên; có bằng tốt nghiệp cao cấp lí luận chính trị hoặc bằng cao cấp lí luận chính trị - hành chính; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên cao cấp; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lí nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp; (đ) Có kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Về công khai kết luận thanh tra

(1) Những nội dung kết luận thanh tra phải được công khai: Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai.

(2) Hình thức công khai kết luận thanh tra

Việc đăng tải kết luận thanh tra trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lí nhà nước cùng cấp phải được thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục.

Ngoài ra, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức sau: (a) Công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; (b) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử). Thời gian thông báo trên báo in, báo nói, báo hình ít nhất là 02 lần liên tục; việc thông báo trên báo điện tử phải thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục; (c) Việc niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra do đối tượng thanh tra thực hiện. Thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày liên tục.

Về kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lí về thanh tra

(1) Căn cứ kiểm tra, quyết định kiểm tra: Người ra quyết định thanh tra quyết định kiểm tra khi có một trong các căn cứ sau đây: (a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lí về thanh tra không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ theo yêu cầu của người theo dõi, đôn đốc; (b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được đôn đốc nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thanh tra, quyết định xử lí về thanh tra; (c) Đối tượng có hành vi cản trở, tẩu tán tài sản, tiêu hủy tài liệu, không hợp tác thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lí về thanh tra.

Chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày kí, quyết định kiểm tra phải được gửi cho đối tượng kiểm tra. Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày kí quyết định kiểm tra, người có nhiệm vụ kiểm tra phải tiến hành kiểm tra. Thời hạn kiểm tra tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày đối tượng kiểm tra nhận được quyết định kiểm tra.

Về giải quyết kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra

(1) Thẩm quyền giải quyết kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra: Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kiến nghị, phản ánh về thời gian, nội dung, phương pháp làm việc của đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra; người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và các hành vi bị nghiêm cấm của trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của đoàn thanh tra.

(2) Trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra: (a) Đối với kiến nghị, phản ánh về thời gian, nội dung, phương pháp làm việc của đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra thì trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có kiến nghị, phản ánh; (b) Đối với kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và các hành vi bị nghiêm cấm của trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của đoàn thanh tra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân kiến nghị, phản ánh đến người ra quyết định thanh tra hoặc người thực hiện giám sát. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có kiến nghị, phản ánh. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra giao người giám sát hoặc đơn vị, cá nhân xác minh nội dung kiến nghị, phản ánh và thông báo kết quả giải quyết cho người có kiến nghị, phản ánh.

(3) Thời hạn giải quyết kiến nghị, phản ánh quy định tại khoản 1 Điều 61 là 05 ngày làm việc. Thời hạn giải quyết kiến nghị, phản ánh quy định tại khoản 2 Điều 61 là 15 ngày.

Về giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra

(1) Thẩm quyền giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra: (a) Thủ trưởng cơ quan quản lí nhà nước cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung trong kết luận thanh tra; (b) Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và xử lí yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lí nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Thanh tra trong quá trình xử lí kết luận thanh tra; (c) Thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên có trách nhiệm tiếp nhận và xử lí kiến nghị của cơ quan tiến hành thanh tra trong quá trình xử lí kết luận thanh tra.

(2) Trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra: (a) Trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra quy định tại khoản 1 Điều 62 như sau: (i) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết luận thanh tra được công bố, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền gửi kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra đến người ra quyết định thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lí nhà nước cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra; (ii) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, thủ trưởng cơ quan quản lí cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho tổ chức, cá nhân có kiến nghị; (b) Trường hợp yêu cầu, kiến nghị quy định tại Điều 62 có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 56 của Luật Thanh traĐiều 19 của Nghị định thì xử lí như sau: (i) Thủ trưởng cơ quan quản lí cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan thanh tra có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thanh tra hoặc thanh tra lại; (ii) Thủ trưởng cơ quan đã tiến hành thanh tra kiến nghị cơ quan thanh tra cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thanh tra lại.

Nghị định số 43/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.