Một số quy định về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm

10/08/2021  / 646 lượt xem

Ngày 15/11/2017, tại kì họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Lâm nghiệp, thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Luật Lâm nghiệp quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

Theo khoản 14 Điều 2 Luật Lâm nghiệp năm 2017, loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, y tế, sinh thái, cảnh quan và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Để bảo động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm, Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định Chính phủ quy định Danh mục và chế độ quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Ngày 22/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2019/NĐ-CP quy định quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Theo đó, có 273 loài động vật rừng, thực vật rừng được đưa vào danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó, 39 loài thực vật rừng và 92 loài động vật rừng được đưa vào Nhóm I, là các loài thực vật rừng, động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục I CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam (như thông nước, lan kim tuyến, cu li lớn, voọc cát bà, sói đỏ…); 55 loài thực vật rừng và 87 loài động vật rừng được đưa vào Nhóm II, là các loài thực vật rừng, động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục II CITES có phân bố tự nhiên tại Việt Nam (như cốt toái bổ, thạch tùng răng cưa, lim xanh, chuột đá, sóc đen, nai…). Nghị định quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, đánh giá thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên phạm vi cả nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, đánh giá trên diện tích rừng trong phạm vi của tỉnh; khuyến khích chủ rừng thực hiện việc điều tra, đánh giá hiện trạng và diễn biến thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trong phạm vi diện tích được nhà nước giao, cho thuê.

Đối với việc bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, Nghị định quy định:

(1) Hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, chế biến, vận chuyển, buôn bán các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của loài đó trong tự nhiên.

(2) Mọi hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được quản lý, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.

(3) Khu vực sinh cảnh sống thường xuyên, tập trung của các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được nghiên cứu làm cơ sở để thành lập các khu rừng đặc dụng.

(4) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, xây dựng công trình, điều tra, thăm dò, nghiên cứu, tham quan, du lịch và các hoạt động khác trong các diện tích rừng có thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện các quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.

Nhằm thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES ) tại Việt Nam, Nghị định quy định các điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES; trong quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp cấp tỉnh. Các cơ sở nuôi, trồng được cơ quan có thẩm quyền cấp mã số.

Việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật từ tự nhiên của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES phải có giấy phép, chứng chỉ CITES do cơ quan có thẩm quyền cấp và phải đáp ứng các điều kiện khác quy định tại Mục 3 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.

Để quy định các chế tài điều chỉnh các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ thực vật, động vật nguy cấp, quý, hiếm, ngày 25/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó quy định cụ thể chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ thực vật, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Cụ thể:

(1) Hành vi khai thác gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA không được phép của cơ quan có thẩm quyền, tùy theo khối lượng và loại gỗ khai thác sẽ bị xử phạt như sau: khai thác trong rừng sản xuất và rừng phòng hộ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; trong rừng đặc dụng bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 100.000.000 triệu đồng.

(2) Hành vi khai thác gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA không được phép của cơ quan có thẩm quyền, tùy theo khối lượng và loại gỗ khai thác sẽ bị xử phạt như sau: khai thác trong rừng sản xuất bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; trong rừng phòng hộ và rừng đặc dụng bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.

(3) Hành vi khai thác thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA, Nhóm IA không được phép của cơ quan có thẩm quyền bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy theo trị giá lâm sản thiệt hại;

(4) Hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì (trừ hành vi quy định tại Điều 13 của Nghị định số 35/2019/NĐ-CP) mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA, thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích, tùy theo trị giá thực vật rừng, bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

 (5) Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái quy định của pháp luật, bị xử phạt như sau:

. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB, tùy theo trị giá động vật rừng.

. Phạt tiền từ 330.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có tang vật là động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB, tùy theo số lượng động vật rừng.

(6) Hành vi vận chuyển lâm sản (từ thời điểm lâm sản đã xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ, bị xử phạt như sau:

. Đối với động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB, tùy theo trị giá động vật rừng, bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.

. Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA, tùy theo khối lượng gỗ, bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.

. Đối với sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB, tùy theo trị giá động vật rừng, bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng.

. Đối với động vật rừng hoặc bộ phận không thể tách rời sự sống của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB, tùy theo số lượng động vật rừng, bị phạt tiền từ 270.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng.

 (7) Hành vi tàng trữ, mua, bán, chế biến lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản không đúng với nội dung hồ sơ, bị xử phạt như sau:

. Đối với động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB, tùy theo trị giá, bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng

. Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA, tùy theo khối lượng gỗ, bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

. Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA, tùy theo khối lượng gỗ, bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng.

. Đối với sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB, tùy theo trị giá động vật rừng, bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng.

. Đối với động vật rừng hoặc bộ phận không thể tách rời sự sống của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB, tùy theo số lượng động vật rừng, bị phạt tiền từ 270.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng.

(8) Hành vi vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản:

. Chủ cơ sở nuôi, trồng động vật rừng, thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hoặc các loài thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp không thực hiện ghi chép sổ theo dõi nuôi, trồng theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

. Chủ cơ sở nuôi, trồng vì mục đích thương mại loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hoặc các loài thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có nguồn gốc hợp pháp nhưng không đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng theo quy định của pháp luật phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt tiền, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP.