Một số quy định mới về xử lý vi phạm hành chính

22/01/2021  / 164 lượt xem

Ngày 13 tháng 11 năm 2020, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lí vi phạm hành chính đã được Quốc hội thông qua.

Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Xử lí vi phạm hành chính, cụ thể:

1. Bổ sung quy định về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

2. Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: "Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả".

3. Bổ sung thẩm quyền xử phạt của một số cơ quan, như: Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; của người đứng đầu cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Kiểm toán Nhà nước;…

4. Bổ sung lĩnh vực đối ngoại vào lĩnh vực quản lý nhà nước có mức phạt tiền tối đa 30.000.000 đồng đối với cá nhân. Tăng mức tiền phạt tối đa đối với cá nhân trong một số lĩnh vực như: lĩnh vực giao thông đường bộ từ 40.000.000 đồng lên 75.000.000 đồng; lĩnh vực cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia từ 50.000.000 đồng lên 75.000.000 đồng; lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100.000.000 đồng lên 200.000.000 đồng;…

5. Sửa đổi, bổ sung quy định về lập biên bản vi phạm hành chính. Theo đó, trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa. Biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.

6. Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong một số trường hợp, theo đó, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính. Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính...

7. Sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn thi hành quyết định phạt tiền. Theo đó, việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau: (1) Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên; (2) Cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn; tổ chức đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh.

8. Sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm tiền phạt đối với tổ chức và cá nhân, theo đó, cá nhân được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt do không có khả năng thi hành quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp: (1) Đã được giảm một phần tiền phạt mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; (2) Đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật này nhưng gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.

Tổ chức được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt khi đáp ứng đủ điều kiện sau: (1) Đã được giảm một phần tiền phạt hoặc đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần; (2) Đã thi hành xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt; (3) Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

Tổ chức được miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt khi đáp ứng đủ điều kiện sau: (1) Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền; (2) Đã thi hành xong hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt; (3) Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

9. Sửa đổi, bổ sung quy định về nộp tiền phạt nhiều lần. Theo đó, một trong các điều kiện để được nộp tiền phạt nhiều lần là bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 150.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức (quy định trước đây là 20.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 200.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức).

10. Bổ sung trường hợp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí chơ cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

11. Bổ sung quy định về thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế. Theo đó, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế được tính kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quá thời hạn này thì không thi hành quyết định cưỡng chế đó, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó.

12. Sửa đổi, bổ sung quy định về xử lí tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Theo đó, đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển cho cơ quan đã cấp các loại giấy tờ đó để tiến hành việc thu hồi theo quy định của pháp luật và thông báo cho người vi phạm biết.

Đồng thời, Luật bãi bỏ Điều 50 (Thẩm quyền của Cục Quản lý lao động ngoài nước), Điều 82 (Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu) và Điều 142 (Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lí vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.