MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ XỬ LÍ KỈ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

21/11/2023  / 1282 lượt xem

Ngày 20/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lí kỉ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Về nguyên tắc xử lí kỉ luật, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP bổ sung quy định: Quyết định xử lí kỉ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Đối với trường hợp bị kỉ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp đã có quyết định kỉ luật về Đảng thì hiệu lực của quyết định xử lí kỉ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỉ luật về Đảng có hiệu lực. Trong thời gian này, nếu không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lí kỉ luật thì quyết định xử lí kỉ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức bị xử lí kỉ luật trong thời gian đang thi hành quyết định xử lí kỉ luật thì xử lí theo quy định. Quyết định kỉ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỉ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực. Các tài liệu liên quan đến việc xử lí kỉ luật và quyết định kỉ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Hình thức kỉ luật phải được ghi vào lí lịch của cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, Nghị định 71/2023/NĐ-CP bổ sung quy định về cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ mà khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lí kỉ luật. Khi đó, cấp có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lí kỉ luật và áp dụng hình thức kỉ luật theo quy định pháp luật tương ứng với vị trí cán bộ, công chức, viên chức đang đảm nhiệm. Đối với trường hợp này, cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ có trách nhiệm cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến hành vi vi phạm và cử người phối hợp trong quá trình xem xét, xử lí kỉ luật. Các quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng và các quy định khác có liên quan được tính ở đơn vị cũ.

Nghị định cũng sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, theo đó, việc xử lí kỉ luật phải bảo đảm khách quan, công bằng; công khai, nghiêm minh; chính xác, kịp thời; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lí một lần bằng một hình thức kỉ luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lí kỉ luật, nếu cán bộ, công chức, viên chức có từ 2 hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận về từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm. 

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày kí ban hành.