MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI CỦA LUẬT THANH TRA NĂM 2022

05/04/2023  / 863 lượt xem

Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 đã được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022 tại Kì họp thứ 4. Luật Thanh tra năm 2022 có một số quy định mới đáng chú ý sau đây:

1. Bổ sung quy định về Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.

Đối với Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Luật quy định 3 trường hợp thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ: (1) Theo quy định của luật; (2) Theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (3) Tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.

2. Luật hóa quy định về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra tại Điều 77 (trước đây, thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra được quy định tại mục 2 Chương VI Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021). Theo quy định trước đây, việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra được thực hiện cả với dự thảo kết luận thanh tra hành chính và dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành. Theo quy định tại Điều 77 Luật Thanh tra năm 2022, việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải được thực hiện đối với dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự thảo kết luận thanh tra hành chính của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh; việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết. Luật cũng không quy định việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra các cơ quan thanh tra khác như Thanh tra sở, Thanh tra huyện, Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ… (theo quy định trước đây, dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra huyện, Thanh tra sở được thẩm định khi cần thiết)…

3. Sửa đổi, bổ sung quy định về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra quy định tại Luật Thanh tra năm 2022 trên cơ sở kế thừa các quy định về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra tại Chương V Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021, đồng thời có một số quy định được sửa đổi, bổ sung. Luật quy định bổ sung một số tài liệu đoàn thanh tra phải cung cấp cho người thực hiện giám sát, như: đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, quyết định sửa đổi, bổ sung nội dung thanh tra…

4. Sửa đổi thời hạn trình, ban hành định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra. Đối với kế hoạch thanh tra hằng năm của Thanh tra Bộ, chậm nhất vào ngày 30 tháng 11 hằng năm (quy định trước đây là ngày 15 tháng 11 hằng năm), Chánh Thanh tra Bộ trình Bộ trưởng ban hành kế hoạch thanh tra của Bộ; chậm nhất vào ngày 10 tháng 12 hằng năm (quy định trước đây là ngày 25 tháng 11 hằng năm). Kế hoạch thanh tra của Bộ được gửi ngay đến đối tượng thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan, tổ chức có liên quan.

5. Sửa đổi, bổ sung quy định về công khai kết luận thanh tra. Theo đó, Luật Thanh tra năm 2022 quy định phải công khai toàn văn Kết luận thanh tra, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật khác theo quy định pháp luật (trước đây không quy định việc công khai toàn văn kết luận thanh tra); quy định 4 hình thức công khai kết luận thanh tra, trong đó hình thức công khai bắt buộc là đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp (hình thức công khai bắt buộc theo quy định trước đây công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo); đồng thời công khai theo một trong ba hình thức: (1) Tổ chức cuộc họp công bố kết luận thanh tra với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo; (2) Thông báo trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng. Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục tiến hành thì thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương; đối với cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành thì thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương; (3) Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.

Luật Thanh tra năm 2010 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành.