KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHOÁ X) TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT VÀ THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÍ VI PHẠM

13/06/2023  / 796 lượt xem

Ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị (khoá X) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tổ chức thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, tạo động lực đột phá cho văn hoá, nghệ thuật nhằm hướng đến chân - thiện - mỹ; phát huy những giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc.

Thứ nhất, về hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa.

Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp kèm theo Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008; trình Chính phủ ban hành các nghị định: Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/03/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Đặc biệt, ngày 14/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nghị định số 144/2020/NĐ-CP đã có nhiều thay đổi so với các quy định trước đây, nội dung quản lý nhà nước đã phân cấp cho địa phương với thủ tục hành chính rõ ràng, đơn giản, tăng cường hậu kiểm, phát huy tính chủ động của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu, tạo sân chơi cho giới trẻ, tạo ra các sản phẩm nghệ thuật có giá trị, quảng bá văn hoá, hình ảnh đất nước, góp phần phát triển du lịch.

Lĩnh vực Điện ảnh: Luật Điện ảnh năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 15/6/2022 (thay thế Luật Điện ảnh năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Luật Điện ảnh năm 2022 đã bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp hoặc đã được quy định tại luật chuyên ngành khác; bổ sung một số vấn đề mới phát sinh về công nghiệp điện ảnh, công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam; quy định cụ thể về phân cấp quản lý hoạt động điện ảnh; hoạt động xúc tiến, quảng bá phim thông qua việc tổ chức các liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim, giải thưởng điện ảnh Việt Nam và quốc tế trong và ngoài nước, chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh; bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành của Việt Nam và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Chế tài xử phạt vi phạm hành chính: Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền trong lĩnh vực văn hoá đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng; trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng. Mức xử phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm hành chính đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021, Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022; Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021). Hiện nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BVHTTDL-BCA ngày 04/5/2016 hướng dẫn phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19/6/2012 quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng internet và mạng viễn thông; quy định về thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, xử lý các thông tin được đưa vào, lưu trữ, truyền đi trên mạng Internet, mạng viễn thông, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước…, trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự, khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy tố trách nhiệm hình sự đối với cá nhân người sử dụng mạng xã hội trực tuyến có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan và các chương trình hợp tác giữa các bên.

Thứ hai, về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm và phối hợp liên ngành kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Thanh tra Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành, từ hoạt động quảng cáo, lễ hội, dịch vụ văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, mỹ thuật triển lãm…, nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tong lĩnh vực quảng cáo, vi phạm chủ yếu là tình trạng nội dung quảng cáo sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ thiếu tính thẩm mỹ, trái với truyền thống văn hoá, chưa phù hợp với đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục và văn hoá Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận. Trong hoạt động lễ hội, thường xuất hiện các hoạt động cờ bạc trá hình, các điểm bán các loại sách, báo, ấn phẩm văn hóa có nội dung đồi trụy, tuyên truyền lối sống hưởng thụ vật chất, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trong hoạt động dịch vụ văn hóa công cộng, tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, dịch vụ trò chơi điện tử… dễ phát sinh các tệ nạn xã hội, lưu giữ, phát tán những sản phẩm văn hóa độc hại.

Trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, công tác thanh tra, kiểm tra đã truy quét, thu hồi nhiều sản phẩm văn hóa có nội dung đồi truỵ, cổ động cho các cuộc biểu tình, khơi dậy lòng hận thù dân tộc, phim có nội dung chém giết, tàn sát, bạo lực không phù hợp với lối sống, văn hoá Việt Nam. Các đợt chỉ đạo kiểm tra, truy quét lớn trên toàn quốc đối với bộ đĩa hình Golden Asian DVD 2 do Trung tâm băng đĩa nhạc Asia sản xuất có chủ đề "Hùng ca sử Việt có nội dung phản động; kiểm tra, xử lý và thu hồi bộ băng, đĩa hình DVD ASIA 69 “ Tác giả tác phẩm - Liên khúc tuyệt vời, tình ca muôn thủa do Trung tâm ASIA (Mỹ) phát hành; đĩa hình, băng, đĩa nhạc DVD có chủ đề " Vườn hoa âm nhạc - tiếng cười 19" và "Asian 68 - Sài Gòn nỗi nhớ"; kiểm tra, xử lý và thu hồi băng, đĩa phim “Trò chơi sinh tử” (The Hunger Games); chỉ đạo, thu hồi các ấn phẩm văn hóa, hàng hóa văn hóa xuất hiện hình ảnh “Đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền của Việt Nam...

Trong các năm 2020, 2021, 2022, Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính gần 1 tỷ đồng, cụ thể:

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Xử phạt ba tổ chức vì đã lưu hành bản ghi hình trên trang mạng xã hội, website có hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội; sử dụng từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương thức biểu đạt, hình thức biểu diễn trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, truyền thống văn hoá Việt Nam; xử phạt hai cá nhân vì đã lưu hành bản ghi âm trên trang mạng xã hội có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo, có từ ngữ trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Trong lĩnh vực mĩ thuật, triển lãm: Xử phạt một cá nhân vì đã tổ chức triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh nhưng không có giấy phép triển lãm theo quy định pháp luật;

Trong lĩnh vực điện ảnh: Xử phạt ba tổ chức vì đã phát hành phim khi chưa được phép phổ biến; hợp tác, liên doanh sản xuất phim mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; gửi phim tham dự Liên hoan phim tài liệu quốc tế khi chưa có Giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh; phổ biến phim không đúng phạm vi quy định trong quyết định phát sóng.

Trong lĩnh vực quảng cáo: Xử phạt một tổ chức vì đã đăng tải quảng cáo có hình ảnh và từ ngữ thiếu thẩm mỹ, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Trong thời gian qua, lực lượng thanh tra chuyên ngành văn hóa đã chủ động và phối hợp liên ngành thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra văn hóa, truy quét, thu giữ, tiêu hủy số lượng lớn các sản phẩm văn hóa độc hại và xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm, góp phần hạn chế, ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập và phát tán của các sản phẩm văn hóa độc hại vào nước ta.

Hiện nay, các địa phương vẫn duy trì đội kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực văn hóa, thông tin và tệ nạn xã hội (thành viên gồm các cơ quan, đơn vị chức năng của các sở, ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Công an; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài Nguyên và Môi trường; Y tế), trong đó thường trực Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Hoạt động của đội kiểm tra liên ngành đã phát huy hiệu quả, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm trong hoạt động văn hóa, phát hiện và xử lý thu giữ, tiêu hủy nhiều sản phẩm văn hóa độc hại, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn.

 Mai Phương