Hội thảo khoa học: Kết quả thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020
Ngày 16/12/2020, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học “Kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020”. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh chủ trì Hội thảo.
Phát biểu dẫn đề tại Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho biết, năm 2009, trong bối cảnh tình hình tham nhũng ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về nguyên nhân, tác hại của tham nhũng, nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng và thực hiện một chính sách về phòng chống tham nhũng ở tầm quốc gia góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và chủ động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW3 khóa X của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng với mục tiêu tổng quát là: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Qua 10 năm thực hiện Chiến lược, đến nay, các nghiên cứu khảo sát ban đầu cho thấy, về cơ bản, các mục tiêu, giải pháp lớn của Chiến lược đã được Đảng ta chỉ đạo thực hiện tại nhiều văn bản của Đảng như Chỉ thị số 33-CT/TW năm 2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Chỉ thị số 50-CT/TW năm 2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 10-KL/TW năm 2016 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;...
Đặc biệt, đến nay, theo thống kê sơ bộ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 61.738 văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; gần 24.000 văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng… góp phần ngăn chặn, từng bước đầy lùi tham nhũng, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đội ngũ cán bộ công chức liêm chính vì nhân dân phục vụ.
Bên cạnh đó, sau 10 năm thực thi Chiến lược, tình hình tham nhũng tuy có cải thiện bước đầu nhưng về cơ bản vẫn diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, phức tạp, phổ biến và ngày càng tinh vi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt khác, hiện tượng tham nhũng, thâu tóm chính sách và nguồn lực quốc gia bởi các nhóm lợi ích, nhóm thân hữu diễn ra song hành với hiện tượng tham nhũng vặt là thách thức nghiêm trọng mang tính lịch sử đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho rằng, rất nhiều vấn đề mới, lớn, phức tạp tiếp tục được đặt ra từ thực tiễn thực thi Chiến lược cần phải được nhận diện chính xác, nghiên cứu đánh giá khác quan, thấu đáo làm cơ sở cho việc hoạch định một Chiến lược mới hay chính sách trung hạn, dài hạn về phòng, chống tham nhũng, chẳng hạn như các vấn đề xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng; triệt tiêu điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng; tăng cường giáo dục đạo đức liêm chính nhằm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội và phòng, chống tham nhũng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nội dung, ý nghĩa và vai trò thực tế của Chiến lược trong công tác phòng, chống tham nhũng hơn 10 năm qua; công tác chỉ đạo và thực hiện Chiến lược; công tác xây dựng thể chế nhằm thực thi Chiến lược; pháp luật và thực thi pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của Chiến lược; tổ chức và hoạt động của đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; kết quả thực hiện và xử lý tham nhũng; vai trò xã hội trong phòng, chống tham nhũng theo yêu cầu của Chiến lược; chính sách, pháp luật và thực thi chính sách, pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn; cơ sở ban hành và nội dung chính sách chủ yếu của Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
(Nguồn: thanhtra.gov.vn)