HỘI THẢO “CUỘC CHIẾN CHỐNG HÀNG GIẢ VÀ HÀNH VI XÂM PHẠM BẢN QUYỀN: THỰC THI TRỰC TIẾP VÀ TRỰC TUYẾN”

19/07/2022  / 241 lượt xem

Triển khai kế hoạch Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm hại quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn III năm 2022, ngày 29 tháng 6 năm 2022, tại Hà Nội, Ban thường trực Chương trình 168 phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức Hội thảo “Cuộc chiến chống hàng giả và hành vi xâm phạm bản quyền: thực thi trực tiếp và trực tuyến”. Tham dự Hội thảo có thành viên Ban Thường trực thuộc 9 bộ, ngành, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Báo cáo về tình hình các hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các thành viên Chương trình 168, bà Nguyễn Như Quỳnh - Trưởng ban Thường trực, đánh giá cao sự tích cực của các đơn vị thành viên. Theo đó, nhiều vụ việc điển hình đã được xử lí nghiêm theo quy định pháp luật. Bộ Công an và Tòa án tối cao đã khởi tố 1 vụ theo Điều 225  Bộ luật Hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; khởi tố 7 vụ theo Điều 226 Bộ luật Hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; 5 vụ về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được Tòa án xét xử theo Điều 226 Bộ luật Hình sự. Bộ Công thương xử lí 2.214 vụ việc về các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 28.508.464.000 đồng, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 61.554.710.000 đồng. Bộ Khoa học và Công nghệ thụ lí 51 đơn yêu cầu xử lí vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 75.800.000 đồng; 3.500 sản phẩm túi, ví thời trang, đồ uống buộc tiêu hủy loại bỏ yếu tố vi phạm. Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thực hiện 1.064 kết luận giám định sở hữu trí tuệ, 234 ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai 2 đoàn thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh; phối hợp với Tập đoàn Công nghệ viễn thông Quân đội và Công ty TNHH Viettel CHT xác minh một số trang thông tin điện tử vi phạm bản quyền truyện Manga và phim Anmie Nhật Bản. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận đơn đề nghị xử lí 6 vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xử lí 37 vụ việc về hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trị giá tang vật 4.867.991.517 đồng.

 

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ được cơ quan thành viên quan tâm và chú trọng. Bộ Công thương phối hợp với cơ quan báo chí tăng cường hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Cục Quản lí thị trường 63 tỉnh, thành phố triển khai kí Quy chế phối hợp với các sàn thương mại điện tử, các trung tâm thương mại,… về công tác phòng, chống, đấu tranh vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các tài liệu tuyên truyền dưới các định dạng kĩ thuật số để đưa lên Cổng thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ; phối hợp với Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức cuộc thi “Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ S&IP". Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi 5.000 khuyến cáo tới doanh nghiệp để tuyên truyền sử dụng phần mềm hợp pháp, chấp hành quy định về sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính. Bộ Tài chính tổ chức tuyên truyền quy định về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua hội thảo trực tuyến, niêm yết quy định tại địa điểm làm thủ tục hải quan, các bài viết trên trang thông tin điện tử. Bộ Thông tin và Truyền thông lồng ghép nội dung bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vào hoạt động thanh tra, kiểm tra lĩnh vực xuất bản báo chí, công nghệ thông tin, lồng ghép nội dung phòng, chống xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vào các hội nghị tập huấn, khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản.

Việc hợp tác đào tạo và hợp tác quốc tế nâng cao năng lực thực thi được phối hợp chặt chẽ. Các đơn vị thành viên, Ban Thường trực Chương trình xây dựng kế hoạch, phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức hội thảo, tập huấn đào tạo, bồi dưỡng sở hữu trí tuệ dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Năm 2021, phối hợp với cơ quan sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO) tổ chức Hội thảo trực tuyến về phối hợp thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kì tại Hà Nội tổ chức Hội thảo phối hợp thực thi chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử,…).

Tham luận tại Hội thảo, nhiều ý kiến nêu rõ những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai. Về việc này, Ban Thường trực cũng thẳng thắn đưa ra vấn đề tồn tại, đó là công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn chưa toàn diện như: việc hợp tác chưa được triển khai tại các địa phương; nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị còn chồng chéo, mâu thuẫn; nguồn lực thực thi còn hạn chế; đặc biệt là việc trao đổi giữa các bên chưa hiệu quả do chưa có hướng dẫn cụ thể.

 

Để công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hiệu quả, Ban Thường trực Chương trình kiến nghị, đề xuất các đơn vị thành viên:

(1) Đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

(2) Thành lập cơ chế báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ để điều phối thực thi quyền sở hữu trí tuệ, giúp các hoạt động và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhận được sự quan tâm và đánh giá cao hơn của các bên liên quan trong xã hội.

(3) Tiếp tục tổ chức các buổi đào tạo và chia sẻ kiến thức nhằm giúp các cơ quan thực thi đạt được mức độ hiểu biết ngang bằng nhau về các vấn đề sở hữu trí tuệ.

(4) Đẩy mạnh truyền thông về thực tiễn thực thi và thành tựu của các cơ quan thực thi tại Việt Nam.