ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN MỘT SỐ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT THUỘC LĨNH VỰC VĂN HÓA CƠ SỞ.

14/07/2023  / 58 lượt xem

Nhằm đánh giá công tác triển khai thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, ngày 15/6/2023, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở.

Dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hà Nội, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL).

Tham dự Hội nghị có đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cảnh sát Quản lý về trật tự xã hội (Bộ Công an); đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Xây dựng), đại diện Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Lãnh đạo Sở và các phòng chuyên môn thuộc Sở VHTTDL 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đánh giá của Bộ VHTTDL, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP và Nghị định số 54/2019/NĐ-CP đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn tồn tại một số hiện tượng tiêu cực tại một số di tích, lễ hội như lợi dụng nhu cầu của người dân trong việc cúng lễ, dâng sao giải hạn để biến tướng, trục lợi, tăng giá dịch vụ, đốt nhiều vàng mã... Trong hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường còn xảy ra nhiều vụ hoả hoạn, cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về con người và tài sản.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến tham luận cũng đánh giá cao về hiệu quả, hiệu lực của 02 Nghị định. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động karaoke, vũ trường đang thực hiện quy định về tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy hết sức nghiêm ngặt, do đó nhiều cơ sở kinh doanh có đầu tư lớn song lại chưa đảm bảo về điều kiện phòng cháy, chữa cháy. Sau khi có sự rà soát của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở phải tạm dừng hoạt động, điều đó cũng gây nhiều khó khăn cho các cơ sở kinh doanh. Một số kiến nghị của các đại biểu đã được Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Công an giải đáp.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ghi nhận sự nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở như công tác quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội, kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Thứ trưởng đề ra những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tổ chức lễ hội, kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Theo đó, đề nghị các Sở tiếp tục triển khai và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo quy định tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP, tiếp tục rà soát theo thẩm quyền việc cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh theo Nghị định số 54/2019/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CTT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước, công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới. Trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an; Bộ Xây dựng; Bộ Công thương và Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

Việt Anh