Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố "Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045"
Sáng ngày 18/10/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị công bố “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thông qua việc tổ chức công bố 02 Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 và Quyết định số 991/QĐ-TTg ngày 16/9/2024 góp phần tuyên truyền sâu rộng về những nội dung cơ bản, ý nghĩa, mục tiêu của 02 Quyết định Quy hoạch trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động để sớm đưa 02 Quyết định Quy hoạch của Thủ tướng vào cuộc sống.
Dự Hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và Thứ trưởng Hồ An Phong chủ trì và điều hành Hội nghị.
Dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các ban, bộ, ngành; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ VHTTDL; đại diện lãnh đạo một số liên đoàn, hiệp hội, các tổ chức kinh tế.
Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch; lãnh đạo các sở, ban, ngành…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã Công bố nội dung Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam trở thành điểm đến nổi bật toàn cầu
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg phê duyệt vào ngày 13/6/2024.
Quy hoạch được xây dựng theo quan điểm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu; chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác; góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia, phát huy yếu tố con người, lấy giá trị văn hóa Việt Nam làm nền tảng; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh…
Phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia, phát huy yếu tố con người, lấy giá trị văn hóa Việt Nam làm nền tảng; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh…
Những mục tiêu và quan điểm tại Quy hoạch thể hiện sự quan tâm đến lợi ích hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tôn trọng văn hóa bản địa, phát huy hiệu quả vai trò cộng đồng địa phương và phát huy truyền thống giá trị văn hóa...; bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa. Phát huy, xác định công nghệ là yếu tố then chốt để đẩy nhanh quá trình phát triển lên tầm cao mới, gia tăng trải nghiệm, chất lượng dịch vụ. Coi nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để hội nhập, nâng tầm, cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Quy hoạch đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2045, ngành du lịch Việt Nam sẽ khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế. Việt Nam trở thành điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và các ngành liên quan khác như giao thông, xây dựng, biển đảo..., nhất là Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc
Quyết định phê duyệt và giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ là công cụ quan trọng để thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa thời đại, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu thực tiễn; bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ của nhân dân các vùng, khu vực trong cả nước; bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm liên kết vùng và liên kết với các kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi lãnh thổ.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm 6 nội dung: Phạm vi và đối tượng quy hoạch; quan điểm và mục tiêu; phương hướng phát triển mạng lưới văn hóa và thể thao; danh mục dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện.
Phát triển mạng lưới cơ sở TDTT quốc gia được phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của nhân dân; yêu cầu tập luyện và thi đấu đạt chuẩn quốc tế đối với các môn thể thao trọng điểm, có mục tiêu giành huy chương châu lục, thế giới; đủ điều kiện tổ chức các sự kiện thể thao có quy mô lớn ở khu vực và châu lục.
Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Hình thành các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ học tập, rèn luyện suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Quy hoạch nêu rõ phương hướng phát triển mạng lưới, gồm 3 nội dung chính: Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia, trong đó tập trung phát triển các mạng lưới bảo tàng, thư viện, cơ sở điện ảnh, cơ sở nghệ thuật biểu diễn, trung tâm văn hóa trong nước, trung tâm văn hóa ở nước ngoài, cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên môn ngành văn hóa, nghệ thuật, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa.
Mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu tổ chức sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế, mang bản sắc đặc trưng địa phương và vùng miền, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của các dân tộc. Hình thành trung tâm nghệ thuật biểu diễn tại các đô thị lớn, các địa phương trung tâm vùng và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch; gắn kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch; từng bước tạo dựng các thương hiệu quốc gia.
Nghiên cứu, xây dựng mới bốn công trình trọng điểm đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi, gồm Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Đầu tư xây dựng các trung tâm nghệ thuật biểu diễn theo mô hình tổ hợp trung tâm nghệ thuật biểu diễn với quy mô đặc biệt, sức chứa hơn 3.000 chỗ ngồi tại Hà Nội, Đà Nẵng; Trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại và Nhà hát tổng hợp quốc gia tại TP.HCM với sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi/cơ sở.
Phát triển mạng lưới TDTT quốc gia, trong đó tập trung phát triển các mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; trung tâm hoạt động thể thao; cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục, thể thao; cơ sở dịch vụ thể thao và chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên; phát triển các trụ sở cơ quan văn hóa, thể thao.
Đến năm 2045, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý, trở thành thương hiệu, đại diện cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc; hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ XXI, trở thành những dấu ấn lịch sử và di sản dành cho tương lai.
Hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với 10 đô thị quan trọng của quốc gia và vùng như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ…; tạo lập sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp; đăng cai tổ chức thành công Đại hội thể thao Châu Á.
Sau đây là phóng sự “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”
https://drive.google.com/file/d/1U4Vn6bDdICdV5RAUB5B7rJjiRmHPfCqU/view
Đình Hưng