BỘ CHÍNH TRỊ BAN HÀNH KẾT LUẬN SỐ 100-KL/TW NGÀY 21/10/2024 VỀ ĐỀ XUẤT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA GIAI ĐOẠN 2025 - 2035

04/11/2024  / 43 lượt xem

Ngày 21/10/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 100-KL/TW về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

 

(Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình trước Quốc hội  Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035)

     1. Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng ngày càng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới; chú trọng phát triển hài hòa, toàn diện giữa kinh tế với văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng thể chế chính sách về văn hóa ngày càng hoàn thiện; ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa ngày càng tăng; đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững đất nước.

2. Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Giao Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa trong thực hiện Chương trình. Phát triển văn hóa phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng đổi mới sáng tạo trên cơ sở giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc; trọng tâm là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hoàn thiện đồng bộ thể chế chính sách, pháp luật về phát triển văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa; huy động, phát huy tối đa nguồn lực nhà nước và xã hội để đầu tư phát triển văn hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số; quan tâm lựa chọn đầu tư xây dựng một số tác phẩm văn hóa đại chúng, tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, góp phần nâng cao giá trị, bản sắc và năng lực hội nhập của văn hóa Việt Nam.

3. Quá trình thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình cần tính toán kỹ lưỡng về tính cấp bách, tính hiệu quả và khả năng bố trí nguồn lực; bảo đảm có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phân cấp trách nhiệm cho địa phương về phân bổ nguồn lực và tổ chức thực hiện.

4. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị và các cơ quan, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; chỉ đạo triển khai thực hiện theo thẩm quyền sau khi Chương trình được phê duyệt.

5. Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, coi việc triển khai thực hiện Chương trình là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.

THTCD