Thông tư số 02/2019/TT-BVHTTDL ban hành quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan

17/09/2019  / 109 lượt xem

Thông tư số 02/2019/TT-BVHTTDL ngày 05/7/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan và có hiệu lực thi hành từ ngày 2/9/2019.

Thông tư này tập trung vào việc quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định tư pháp và áp dụng đối với người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan.

Theo Thông tư, quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan gồm 6 bước:

Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định

Bước 2: Chuẩn bị thực hiện giám định

Bước 3: Thực hiện giám định

Bước 4: Kết luận giám định

Bước 5: Bàn giao kết luận giám định

Bước 6: Lập hồ sơ, lưu giữ hồ sơ giám định

Việc giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện bằng hình thức giám định cá nhân hoặc giám định tập thể đối với những vụ việc phức tạp. Trường hợp giám định tập thể thì số lượng người tham gia giám định tư pháp phải từ 03 người trở lên, trong đó có ít nhất 01 người thuộc chuyên ngành đào tạo về Luật.

Cụ thể, người giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, mẫu vật có liên quan để thực hiện giám định. Trường hợp không đủ điều kiện giám định thì từ chối theo quy định của pháp luật về giám định thì từ chối theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

Việc giao nhận hồ sơ, tài liệu, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật. Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu, yêu cầu và các quy định cụ thể của pháp luật về sở hữu trí tuệ để chuẩn bị thực hiện giám định tư pháp. Trường hợp cần làm rõ thêm về nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, đối tượng giám định thì đề nghị người trưng cầu, yêu cầu cung cấp thêm thông tin, tài liệu có liên quan.

Người giám định tư pháp có thể tự mình tiến hành lấy mẫu giám định hoặc đề nghị người trưng cầu, yêu cầu giám định cung cấp mẫu giám định. Việc lấy mẫu giám định phải được lập thành biên bản và được lưu trong hồ sơ giám định.

Khi thực hiện giám định, người giám định tư pháp xem xét đối tượng giám định và sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật trên cơ sở hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định.

Việc xem xét giám định bao gồm một hoặc các nội dung sau đây: Xác định đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan; Xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Xác định giá trị quyền tác giả, quyền liên quan, xác định giá trị thiệt hại; Các nội dung khác có liên quan về quyền tác giả, quyền liên quan.

Người giám định tư pháp có trách nhiệm ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ giám định.

Khi việc thực hiện giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan hoàn thành, người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm bàn giao kết luận giám định cho người trưng cầu, yêu cầu giám định.

Việc bảo quản, lưu giữ hồ sơ giám định tư pháp thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện theo quy định tại Thông tư.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019./.