Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của Di sản tại Quảng Bình.

05/11/2019  / 110 lượt xem

Đoàn thanh tra Bộ đã tiến hành kiểm tra xem, xét, đánh giá công tác thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa tại di sản trên địa bàn tỉnh với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình, các Ban Quản lý di tích và đã đi kiểm tra thực tế tại một số di tích.

Di tích, danh thắng ở Quảng Bình gồm nhiều loại hình phong phú. Tính đến nay Quảng Bình có tổng 122 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng có đủ 4 loại hình: kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, lịch sử và danh thắng; Trong đó có 53 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, Quốc gia đặc biệt và 69 di tích sếp hạng cấp tỉnh. Có thể nói, đây là tài sản quý, lưu giữ những dấu ấn văn hoá đặc biệt trên hành trình phát triển. Trong những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ hỗ trợ giúp đỡ của các Bộ, ngành, cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Bình công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản thu được những kết quả nhất đinh, góp phần quan trọng việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương Quảng Bình, thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến tham quan và nghiên cứu tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, từ kết quả kiểm tra công tác bảo tồn phát huy giá trị Di sản của địa phương đoàn Thanh tra Bộ đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời đưa ra một số kiến nghị đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh để công tác quản lý, bảo vệ và khai thác giá trị lịch sử - văn hóa được tốt hơn.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị của các di tích, là xếp hạng và phân loại di tích. Việc kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng, rà soát quy hoạch tổng thể di tích, khoanh vùng, cắm mộc giới khu vực bảo vệ di tích được thực hiện thường xuyên; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò là cơ quan chủ quản cần có kế hoạch tham mưu, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và khai thác giá trị lịch sử - Văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Hướng dẫn các Ban quản lý di tích vừa bảo vệ, vừa khai thác, phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức; ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy những giá trị của Di sản.