Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

07/06/2019  / 454 lượt xem

Cần nhân rộng những điển hình tiên tiến

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện là giải pháp xây dựng đạo đức, lối sống, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong thời gian qua Bộ đã đề ra nhiều giải pháp như tiếp tục chỉ đạo xây dựng một cách có hiệu quả các văn bản quy định về vấn đề xây dựng đạo đức, lối sống; rà soát và điều chỉnh các hệ thống văn bản pháp luật, ban hành nhiều bộ quy tắc ứng xử trong các lĩnh vực... 

“Vì sao nhiều tấm gương người tốt việc tốt lại không được biết đến, trong khi không ít hiện tượng “lệch chuẩn” lại được tung hô?”, Bộ trưởng cho biết, ngành văn hóa sẽ tiếp tục nỗ lực, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, nhân cách con người, biểu dương cái tốt, bài trừ cái xấu, định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực. Đối với gia đình, nhà trường cần giải pháp đồng bộ, nêu gương vai trò của ông bà, cha mẹ. Đối với truyền thông, phải tuyên truyền, phản ánh được những tấm gương người tốt, việc tốt; phê phán những hiện tượng xấu, tạo hiệu ứng tích cực cho cả xã hội. “Xã hội cần nhân rộng những điển hình, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, từ đó góp phần xây dựng những chuẩn mực đạo đức, lối sống con người Việt Nam”.

Ngăn chặn Du lịch biến tướng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) về hiện tượng “tour du lịch 0 đồng” đang là một vấn nạn, với trách nhiệm quản lý nhà nước Bộ đã tính toán cụ thể thiệt hại hằng năm của vấn nạn này gây ra, giải pháp khắc phục tình trạng này ra sao? Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định đây là vấn đề mà ngành du lịch đã có nhiều giải pháp. “Tour du lịch 0 đồng” có nghĩa là một tour giá rẻ, dưới giá thành rất nhiều. Tuy nhiên, tour du lịch giá rẻ ở đây nói chung là có những hành vi tiêu cực, có thể cắt, giảm chương trình của khách du lịch, đưa khách du lịch vào những nơi mua sắm chứ không phải đi du lịch thuần túy. Quan điểm của Bộ là kiên quyết dẹp bỏ các kiểu “tour du lịch 0 đồng”. Ngoài việc tuyên truyền để khách du lịch nắm được những tiêu cực của các “tour du lịch 0 đồng” thì cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các công ty, hướng dẫn viên thực hiện các loại “tour du lịch 0 đồng” này. Đồng thời cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành để xử lý tận gốc “tour du lịch 0 đồng”.

Việc tổ chức hoạt động du lịch biến tướng, theo Bộ trưởng không những gây thiệt hại trực tiếp cho người dân, đa phần là đối với những người có thu nhập khó khăn mà còn gây tổn hại uy tín của các đoàn thể, quần chúng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Các cá nhân, đơn vị này tới làm việc với các Hội, các địa phương, tập trung vào hội viên, tuyên truyền về các chương trình du lịch giá rẻ, đi du lịch “tour 0 đồng”, sau đó là bán hàng giá cao. Bộ trưởng khẳng định, hiện tượng này là lợi dụng du lịch để lừa đảo, cần phải xử lý nghiêm theo quy định và đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc xử lý dứt điểm hiện tượng này. Về phía cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Bộ sẽ yêu cầu các Sở Du lịch, Sở VHTTDL tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lí nghiêm các trường hợp này. Nghị định số 45/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch do Chính phủ vừa ban hành tháng 5.2019 sẽ là “cây gậy” để xác định, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực.

Phải phê phán hành vi phản văn hóa

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nêu vấn đề về việc xử lý vi phạm tại chùa Ba Vàng 5 triệu đồng là quá nhẹ, theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL thì mức độ xử phạm vi phạm hành chính đã đủ sức răn đe chưa, có giải pháp nào để tránh tái diễn ở chùa Ba Vàng và các cơ sở tâm linh khác?

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, vụ việc ở chùa Ba Vàng đã vi phạm luật pháp và ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và văn hóa, cần phải lên án, xử lý. Chính quyền địa phương đã ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm nếp sống văn hóa đối với bà Phạm Thị Yến với mức 5 triệu đồng. Đây là mức phạt cao nhất được quy định tại Nghị định 158. Tuy nhiên, phạt tiền 5 triệu hay lên đến 100 triệu thì cũng chỉ là một phần, chúng ta cần phải tăng nặng hơn hình thức xử phạt về quản lý nhà nước và xã hội cần phải lên án, phê phán mạnh mẽ những hành vi phản văn hóa, phi đạo đức kết hợp với xử phạt thì sẽ hiệu quả cao hơn...

Nhấn mạnh việc xử lý lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi là vấn đề nhạy cảm, Bộ trưởng khẳng định, bản chất của tôn giáo là tốt đẹp, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng là nhu cầu tự thân của người dân. Tuy nhiên, thực tế có một số cá nhân đã lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật. Những hành vi này pháp luật sẽ xử lý, dư luận xã hội lên án vì vi phạm đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Về giải pháp, ngành văn hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện một số văn bản về biện pháp phòng ngừa hiện tượng mê tín, dị đoan; nâng cao nhận thức của nhân dân; lên án, phê phán và xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng mê tín dị đoan...

Với chất vấn của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) về sự phối hợp giữa ngành VHTTDL và các địa phương trong quản lý, phòng chống mê tín dị đoan, Bộ trưởng nhắc lại vụ chùa Ba Vàng và cho rằng, nếu Sở Nội vụ, Sở VHTT và chính quyền địa phương có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, phân công trách nhiệm trong việc phát hiện, làm rõ và xử lý sai phạm thì rõ ràng sẽ khắc phục được hậu quả hơn rất nhiều. 

Nghiên cứu sửa đổi về điều kiện kinh doanh karaoke, vũ trường

Trả lời Đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) về vấn đề các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường thường cải tạo công năng từ nhà ở không đảm bảo cách âm, không đảm bảo an toàn cháy nổ, tiếng ồn; một số trường hợp xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng con người. Có cơ sở hoạt động dính líu tới ma túy, mại dâm đã bị phát hiện và xử lý. Trách nhiệm của ngành văn hóa và các ngành liên quan trong quản lý nhà nước để xảy ra tình trạng trên và biện pháp khắc phục?

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện việc quản lý các quán karaoke, vũ trường được nêu tại Nghị định 103 năm 2009. Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống, các cơ sở này phát triển mạnh nên tồn tại hiện tượng như đại biểu nêu.

Bộ trưởng cho biết: "Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ VHTT&DL đã nghiên cứu sửa đổi Nghị định 103 trình Thủ tướng phê duyệt, trong đó quy định về đảm bảo an ninh trật tự, trách nhiệm xử lý việc tàng trữ, sử dụng ma tuý; bổ sung quy định về diện tích âm thanh ánh sáng, điều kiện kinh doanh và phân công rõ trách nhiệm Bộ ngành, địa phương trong quản lý”.